Công nghiệp xơ sợi “thiệt đơn thiệt kép”

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành dệt may Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế này, các sản phẩm dệt may cần đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi mới được hưởng các ưu đãi theo quy định. Hiện Việt Nam đang rất thiếu và yếu trong lĩnh vực xơ sợi, dệt, nhuộm. Câu chuyện Nhà máy xơ sợi Đình Vũ mới đây tạm dừng hoạt động đã gióng lên hồi chuông báo động, nếu không có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may hợp lý, sẽ dễ rơi vào tình trạng “thiệt đơn thiệt kép” ngay trên sân nhà.

Kiểm tra dây chuyền và chất lượng sợi của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng).
Kiểm tra dây chuyền và chất lượng sợi của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng).

Khó khăn trăm bề

Đại diện của Công ty cổ phần Hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) cho biết, kể từ khi chính thức đi vào hoạt động thương mại (tháng 5-2014) đến nay, Nhà máy xơ sợi (NMXS) Đình Vũ đã hoạt động ổn định với công suất thiết kế và sản xuất được khoảng 140 nghìn tấn (chín tháng năm 2015 sản xuất 61 nghìn tấn) sản phẩm các loại, đáp ứng hơn 50% nhu cầu của thị trường xơ sợi trong nước và xuất khẩu; tạo việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động và đóng góp cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, giá dầu thế giới lao dốc, biến động không ngừng, khiến giá nguyên liệu đầu vào của xơ sợi cũng biến động theo. Việc mất giá của đồng Việt Nam so với USD gây ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của PVTex khi sản phẩm PVTex bán trong nước bằng tiền đồng nhưng nguyên liệu lại phải nhập khẩu và mua bằng USD.

Nghiêm trọng hơn, việc Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ đã thúc đẩy các nhà máy xơ sợi Trung Quốc, kéo theo các nhà máy của In-đô-nê-xi-a, Thái- lan, Ấn Độ đồng loạt phá giá xơ sợi nhằm chiếm lĩnh thị trường. Mặt khác, việc tăng giá điện sản xuất, chi phí quản lý, trong khi chưa nhận được ưu đãi, hỗ trợ nào về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng (VAT)… cùng các sự cố về nguồn cung cấp điện trong sản xuất không ổn định, đã ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, thời gian vận hành, thiết bị của NMXS Đình Vũ khiến PVTex đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.

Tổng Giám đốc PVTex Đào Văn Ngọc cho biết: Để giảm khó khăn trong thời điểm hiện nay và bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh lâu dài của NMXS Đình Vũ, PVTex quyết định tạm dừng sản xuất để tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho, đồng thời tiến hành bảo dưỡng, chuẩn bị cho đợt sản xuất mới khi thị trường tốt lên nhưng vẫn phải bảo đảm cung cấp đủ sản phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, PVTex sẽ có những điều chỉnh về sản xuất, quản lý, nhằm tối ưu hóa sản xuất, tiết giảm các chi phí vận hành cũng như đánh giá sâu hơn về thị trường, tìm kiếm các nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, đạt chất lượng tốt nhất, phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. “Đối với các doanh nghiệp đã tồn tại hàng chục năm, nhà máy xơ sợi cơ bản đã hết khấu hao như Nhà máy sản xuất xơ sợi Formosa, dù phải chấp nhận bán hòa vốn sản phẩm trong thời gian từ sáu tháng đến một năm, cũng không ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong ngắn hạn. Nhưng nếu PVTex chạy theo cuộc đua giảm giá sản phẩm, sẽ dẫn đến thua lỗ lớn” - Tổng Giám đốc PVTex khẳng định.

Cần sự hỗ trợ của Nhà nước

Nhà máy sơ sợi Đình Vũ là nhà máy đầu tiên của Việt Nam chuyên sản xuất và cung cấp sản phẩm xơ sợi tổng hợp chất lượng cao cho ngành kéo sợi, dệt may và được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ giúp nền công nghiệp hỗ trợ dệt may của Việt Nam phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Cách đây không lâu, khi ký cam kết tiêu thụ xơ sợi từ PVTex, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường đã khẳng định, NMXS Đình Vũ ổn định sản lượng, chất lượng sản phẩm là một tin mừng đối với các doanh nghiệp dệt may vì nhu cầu xơ sợi polyester của Việt Nam trong năm nay có thể lên đến 470 nghìn tấn. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững, PVTex cần làm chủ kỹ thuật công nghệ, trong đó, phải bảo đảm ổn định chất lượng sản phẩm chứ không thể tồn tại kiểu sản xuất đạt 50 đến 60% công suất thiết kế thì cho sản phẩm đạt chất lượng, còn nếu hoạt động hết công suất, lại cho ra sản phẩm có chất lượng không như ban đầu. Tương tự, một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, PVTex cần tăng cường hỗ trợ kỹ thuật kéo sợi, nhuộm mầu xơ, sợi tổng hợp của từng đơn vị mới có thể chiếm lĩnh thị trường.

Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan khiến PVTex hoạt động không hiệu quả, xơ sợi polyester là mặt hàng mới, lần đầu tiên do các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất, vì vậy cần có thời gian để hoàn thiện sản phẩm và xây dựng, phát triển thị trường; đồng thời mới hoạt động cho nên chi phí khấu hao và lãi vay rất lớn, không thể cạnh tranh giá thành với các nhà máy của Trung Quốc. Nhìn nhận về vấn đề này, PGS, TS Vũ Trí Dũng (Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) cho rằng, lĩnh vực công nghiệp sản xuất xơ sợi đòi hỏi công nghệ hết sức phức tạp, quá trình chuyển giao, tích lũy kinh nghiệm cần có thời gian, cho nên doanh nghiệp cần tính toán làm sao để nhanh chóng nắm bắt công nghệ, nghiên cứu, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm ra thị trường, tiết giảm các chi phí trong quản lý, vận hành... nhằm “cắt lỗ” và đẩy mạnh sản xuất theo đúng kế hoạch. TS Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội cho biết, muốn phát triển, PVTex cần hình thành được chuỗi cung ứng. Trong đó, làm sao để khách hàng mua cuối cùng chấp nhận và chỉ định đối tác lựa chọn và sử dụng sản phẩm của PVTex trong sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cũng theo TS Hiệp, muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp xơ sợi, dệt, nhuộm và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai,... Trong đó, cần có quỹ đất, gom thành khu công nghiệp để có thể liên kết theo chuỗi nhằm cung ứng sản phẩm có chất lượng ra thị trường, đồng thời lúc đó việc xử lý môi trường sẽ rẻ hơn so với từng doanh nghiệp làm riêng lẻ, với chi phí tốn kém, đắt đỏ, tỷ suất thu hồi vốn lâu.

Phát triển lĩnh vực công nghiệp xơ sợi, dệt nhuộm là bước đi chiến lược đúng đắn, thực hiện chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, Nhà nước. Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong việc phát triển, mở rộng thị trường hàng dệt may ra thị trường các nước trong TPP. Đây được đánh giá là cơ hội vàng, vô giá, được kỳ vọng sẽ mang lại hàng tỷ USD cho Việt Nam. Nếu chúng ta không phát triển được lĩnh vực công nghiệp xơ sợi, dệt nhuộm - một trong những yếu tố được xem là đầu vào của hàng dệt may - cơ hội đó sẽ chỉ ở dạng lý thuyết và rất có thể, đó lại là “miếng mồi ngon” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Không nói đâu xa, nếu NMXS Đình Vũ đóng cửa hoặc bán cho các doanh nghiệp nước ngoài, khi đó không ai dám bảo đảm rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành kéo sợi, dệt may Việt Nam lại không tăng cao trở lại so với trước khi có nhà máy; điều này các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng các sản phẩm xơ sợi của NMXS Đình Vũ biết rõ nhất. Hiện tại, các doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp,... đã và đang ồ ạt đầu tư vào Việt Nam nhằm đón đầu TPP. Chính vì vậy, để giảm sự phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, tránh sự chèn ép về giá, nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuế, đất đai, khoa học công nghệ,... để các doanh nghiệp trong nước yên tâm đầu tư sản xuất, tránh trường hợp bị các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh về tài chính, công nghệ, trình độ quản trị hiện đại,... chèn ép, “thôn tính” ngay tại sân nhà.

Nhà máy xơ sợi Đình Vũ do PVTex làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế đạt 500 tấn xơ sợi/ngày (175 nghìn tấn/năm). Đây là nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp đầu tiên được xây dựng ở miền bắc với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 1,6 tỷ USD/năm) phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam.