Chuyển giao kết quả 18 đề tài nghiên cứu phát triển bền vững vùng Tây Bắc

NDO -

NDĐT- Sáng 1-12, tại Yên Bái, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), UBND tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ thuộc Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” lần thứ nhất.

(Ảnh: BÙI TUẤN)
(Ảnh: BÙI TUẤN)

Theo Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Kim Sơn, Chương trình “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” do ĐHQGHN chủ trì, được triển khai từ năm 2013, đến tháng 11-2017, đã thực hiện tuyển chọn, phê duyệt và tổ chức thực hiện được 55 đề tài và 3 dự án cho bốn nhóm mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Việc triển khai các đề tài, dự án đã thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy được đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều tổ chức KH-CN trong và ngoài ĐHQGHN. Cụ thể, có 31 tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia chủ trì thực hiện đề tài đến từ các tổ chức khoa học công nghệ và trường đại học, các viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong cả nước. Ngoài ra, có 82 tổ chức tham gia phối hợp thực hiện, trong đó có các sở ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc tham gia phối hợp tích cực trong quá trình triển khai.

Trong số các đề tài, dự án được triển khai có 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp nhà nước được chuyển giao tại hội nghị cho 14 tỉnh trên toàn vùng Tây Bắc. Các sản phẩm KH-CN của Chương trình Tây Bắc đã đóng góp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh cho vùng Tây Bắc. Một số kết quả nghiên cứu của các nhiệm vụ KH-CN sẽ là cơ sở trong đề xuất xây dựng, điều chỉnh chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng Tây Bắc giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030 như: Góp ý hoàn thiện dự thảo báo cáo đại hội Đảng bộ các tỉnh vùng Tây Bắc; hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững Tây Bắc… Một số kết quả và sản phẩm trực tiếp như: Xây dựng chuỗi mô hình cung ứng sản phẩm lâm sản đặc sản xuất khẩu tại Sơn La, Yên Bái; nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; đánh giá tổng thể các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc; nghiên cứu xây dựng mô hình và hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng và cảnh báo nguy cơ lũ quét…

Đánh giá về chương trình KH-CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc dưới góc nhìn ứng dụng vào thực tiễn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng: Kết quả nghiên cứu chính là luận cứ khoa học quý báu cho các địa phương trong vùng hoạch định chính sách, ứng dụng để phát triển sản xuất, quản lý xã hội phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của mỗi địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Những kết quả nghiên cứu vừa cơ bản, vừa cấp bách mà các địa phương đã và đang phải nỗ lực giải quyết trong quá trình quản lý phát triển như: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nông, lâm sản theo chuỗi giá trị; phát triển kinh tế du lịch bền vững; bảo vệ môi trường; xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số và khu vực biên giới; quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo...

Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ, vùng Tây Bắc là địa bàn còn chậm phát triển trên nhiều lĩnh vực; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng 26%. Vì vậy, muốn phát triển kinh tế- xã hội cần đẩy mạnh ứng dụng KH-CN. Trong đó, Chương trình KH-CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc triển khai hiệu quả sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, để nâng cao các kết quả nghiên cứu, ĐHQGHN cần tiếp tục đôn đốc, kiểm tra để đẩy nhanh tiến độ các đề tài, dự án còn đang trong quá trình triển khai. Các đề tài nghiên cứu, khảo sát đi sâu, gắn với thực tế hơn nhằm giúp các địa phương khi ứng dụng được thuận lợi và hiệu quả. Quá trình triển khai các kết quả nghiên cứu cần gắn với việc huy động các doanh nghiệp cùng tham gia để nâng cao hiệu quả. Với những kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu, chuyển giao khi triển khai cần có sự ứng dụng linh hoạt vì 14 tỉnh trong vùng có những đặc điểm khác nhau…

Xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành để phát triển bền vững vùng Tây Bắc