Góc nhìn

Chủ động đón làn sóng FDI thứ tư

Đại dịch Covid-19 đang làm biến đổi cấu trúc kinh tế toàn cầu, làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, lưu thông, thúc đẩy phát triển công nghệ mới và “nắn chỉnh” lại dòng đầu tư. Trong bối cảnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cũng cần có những điều chỉnh phù hợp tình hình mới.

Bước sang năm thứ 33 thực hiện chính sách mở cửa thu hút vốn nước ngoài, đến nay, dòng vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể. Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 33.070 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 231,86 tỷ USD, bằng hơn 60% tổng vốn đăng ký. Vốn FDI đã có mặt ở tất cả 63 địa phương trong cả nước và đầu tư vào 19 trong tổng số 21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Khu vực doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, số thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, song hành cùng những đóng góp tích cực nêu trên, những hạn chế của dòng vốn ngoại cũng đã bộc lộ rõ nét. Trong đó, hạn chế lớn nhất là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; việc thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; có hiện tượng một số DN chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc quy định về bảo vệ môi trường... Theo các chuyên gia kinh tế, tác động của đại dịch Covid-19 là cơ hội để chúng ta chủ động thu hút FDI thế hệ mới chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. 

Để đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Việt Nam cần có sự thích ứng và chủ động, sáng tạo hơn nữa. Ở cấp vĩ mô, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề lớn. Đó là giữ vững ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, chính trị xã hội vốn là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI; tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách, pháp luật nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng. Về phía các địa phương, cần tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và nhất là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng…