Chính thức phê duyệt “siêu sân bay” Long Thành gần 110 nghìn tỷ đồng

NDO -

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế (gọi tắt là sân bay) Long Thành giai đoạn 1 đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt, với tổng mức đầu tư 109.112 tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD.

Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. (Ảnh do ACV cung cấp)
Phối cảnh nhà ga sân bay Long Thành. (Ảnh do ACV cung cấp)

Ngày 12-11, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) cho biết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định 1777/QĐ - TTg phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với mục tiêu đầu tư xây dựng sân bay đạt cấp 4F theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), là sân bay quốc tế quan trọng quốc gia, hướng tới là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc ACV cho hay: Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 có quy mô một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng, tương đương gần 4,665 tỷ USD. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2020, hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.

Theo quyết định, dự án được phân thành bốn dự án thành phần bao gồm: dự án thành phần 1: Các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; dự án thành phần 2: Các công trình phục vụ quản lý bay; dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong sân bay; dự án thành phần 4: Các công trình khác.

Trong đó, dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không do nhà đầu tư khai thác cảng thực hiện, được giao cho ACV) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn của ACV.

Dự án thành phần 3: Các công trình thiết yếu của sân bay do ACV làm chủ đầu tư bao gồm: hạ tầng chung (rà phá bom mìn, san lấp và chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hàng rào, giao thông kết nối tuyến số 1, số 2 và các nút giao; đường và bãi đỗ ô-tô, cầu, hầm, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, viễn thông…); công trình tại khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn, đèn hiệu hàng không, hệ thống thiết bị ILS/DME…); sân đỗ tàu bay; hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay; nhà ga hành khách; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe, tòa nhà điều hành Cảng và các công trình phụ trợ khác.

Các hạng mục xây dựng chính của sân bay Long Thành bao gồm: xây dựng đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ bảo đảm cho các loại tàu bay hoạt động đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/ năm; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373 nghìn m2.

Theo ông Vũ Thế Phiệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án tổng thể, ACV sẽ triển khai các bước tiếp theo thực hiện quyết định đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện và hiệu quả đầu tư.

Sân bay Long Thành sẽ được áp dụng các công nghệ hiện đại và có tính mở để có thể dễ dàng cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong việc đầu tư xây dựng, quản lý và vận hành khai thác theo tiêu chuẩn quốc tế và tương đương các sân bay quốc tế tiên tiến trên thế giới, bảo đảm khai thác hiệu quả, chính xác, độ tin cậy cao với đầy đủ chức năng dự phòng, tiết kiệm năng lượng.

Các hạng mục công trình thuộc dự án giai đoạn 1 được xây dựng đồng bộ về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan, bảo đảm mục tiêu, quy mô, công suất, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, hiệu quả đầu tư, không vượt tổng mức đầu tư được phê duyệt và các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng lưu ý, theo Quyết định của Thủ tướng, các dự án thành phần 2, 3, 4 sẽ chỉ được sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ. Giao thẩm quyền của người quyết định đầu tư cho các đơn vị chủ quản các cơ quan quản lý Nhà nước đối với dự án thành phần 1, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đối với dự án thành phần 2; ACV đối với dự án thành phần 3; các chủ đầu tư do Bộ GTVT lựa chọn đối với dự án thành phần 4.

Thủ tướng giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm cùng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp việc đề xuất với Hội đồng Thẩm định Nhà nước về nội dung giao ACV, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại ACV tổ chức thực hiện đầu tư dự án thành phần 3 đúng quy định, bảo đảm tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.