Chia sẻ kinh nghiệm giao thương nông sản an toàn

NDO -

NDĐT - Các địa phương, các nhà sản xuất cũng như nhà phân phối đã cùng nhau chia sẻ thông tin giao thương, xúc tiến quảng bá sản phẩm nông nghiệp an toàn tại Hội nghị giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Chia sẻ kinh nghiệm giao thương nông sản an toàn

Đây là Hội nghị do UBND Thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sở Công thương Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA), Vụ Thị trường trong nước phối hợp tổ chức. Hội nghị thu hút sự góp mặt của các Sở Công thương thuộc 63 tỉnh, thành phố, cùng hơn 400 doanh nghiệp, HTX, nhà sản xuất, hơn 500 doanh nghiệp, nhà phân phối từ gần 60 tỉnh, thành phố.

Các tỉnh, thành phố đến tham dự đã giới thiệu những đặc sản của địa phương mình, đặc biệt là những sản phẩm nông nghiệp được trồng theo tiêu chuẩn an toàn, có chỉ dẫn địa lý, mã nguồn… bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện đang được phát triển quy mô lớn. Các tỉnh cũng bày tỏ mong muốn sẽ tìm được những thị trường tiêu thụ mới, mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông sản an toàn, từ đó góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như nuôi trồng của người dân.

Tại hội nghị, một số địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm xúc tiến, quảng bá sản phẩm của địa phương mình.

Bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, Hà Giang có một số đặc sản như cam sành, chè shan tuyết, hồng không hạt, mật ong bạc hà, gạo Xín Mần, trong đó nhiều sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý… Một số sản phẩm đã được tỉnh xác định hướng tới sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế chính của tỉnh, như cây chè, cây cam. Hà Giang đang hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, gắn sản xuất với tiêu dùng. Tỉnh đang hướng tới xây dựng thương hiệu bền vững đối với sản phẩm cam sành.

Chia sẻ kinh nghiệm giao thương nông sản an toàn ảnh 1

Giới thiệu cam Hà Giang tại Hội chợ đặc sản vùng miền.

Bà Hà Thị Minh Hạnh cũng cho biết, những năm gần đây, thông qua xúc tiến thương mại, Hà Giang đã mở rộng được thị trường xuất khẩu nông nghiệp, đưa sản phẩm sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số thị trường châu Âu.

Hà Giang cũng đã và đang tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, phối hợp tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hà Giang mong có sự hỗ trợ của Bộ Công thương, thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội trong việc đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ lớn tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giới thiệu hàng loạt đặc sản Lạng Sơn, những món vô cùng quen thuộc mà ai đến đây cũng muốn thưởng thức và mang về làm quà tặng như lợn quay, vịt quay, rượu Mẫu Sơn, na Đồng Bành… Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết, hiện tại Lạng Sơn đang kết nối cung cầu hàng hóa với thị trường Trung Quốc, chủ yếu là xuất khẩu hoa quả. “Chúng tôi cũng mong muốn qua hội nghị này, với tiềm năng sẵn có, Lạng Sơn muốn có hợp tác đầu tư với các tỉnh thành trong cả nước trên lĩnh vực nông nghiệp , tạo cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất và xúc tiến giới thiệu sản phẩm”.

Chia sẻ kinh nghiệm giao thương nông sản an toàn ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Phương , Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, xưa nay nhắc đến Bắc Giang là nhắc đến vải thiều Lục Ngạn, tuy nhiên nơi này còn nhiều sản vật nữa như cam, bưởi, gà, lợn.. cung cấp số lượng lớn hằng năm cho các vùng lân cận, đặc biệt là thị trường Hà Nội.

Ông Nguyễn Văn Phương cho biết, năm 2018, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương tại các hội chợ, sự kiện, hỗ trợ giới thiệu và quảng bá sản phẩm vào các siêu thị, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh cũng đã tổ chức Tuần lễ vải thiều và các sản phẩm nông sản của Bắc Giang tại Hà Nội, để người tiêu dùng biết đến những sản phẩm khác ngoài vải thiều của Bắc Giang.

Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp phân phối cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cũng như yêu cầu, mong muốn của họ về sản phẩm cung ứng.

Giám đốc phát triển mạng lưới của Aeon Topvalue Việt Nam, ông Fukui Tomoaki cho biết, Aeon đã có một số buổi gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất nông sản, hướng dẫn các tiêu chuẩn để bán hàng vào hệ thống của Aeon trên toàn thế giới về sản xuất, bao bì. Ông Fukui Tomoaki cũng cho biết một số mặt hàng mà Aeon đang muốn có trên kệ siêu thị gồm nhãn, vải… Tính đến nay, Aeon đã đàm phán phân phối sản phẩm với 18 công ty của Việt Nam và đang tiếp tục trao đổi với 20 công ty khác.

Chia sẻ kinh nghiệm giao thương nông sản an toàn ảnh 3

Giám đốc Big C khu vực miền bắc, ông Khúc Tiến Hà chia sẻ, Big C cũng đã có nhiều chương trình giới thiệu sản phẩm tại siêu thị, giới thiệu các đặc sản vùng miền theo mùa như cam, nhãn, vải, bơ… Big C cũng đã hỗ trợ các hộ dân vùng sâu vùng xa, về vốn, bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, đã có khoảng 10 tỉnh phía bắc có các hộ nông dân được hỗ trợ như Lào Cai, Sơn La…

Big C cũng thường xuyên tổ chức các tuần lễ giới thiệu sản phẩm như Tuần lễ xoài, Tuần lễ cá sông Đà, Tuần lễ cam và các sản phẩm có múi Hòa Bình, Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn… Đây là cơ hội tốt để các địa phương giới thiệu các sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng Hà Nội, đồng thời các nhà bán lẻ cũng tìm đc sản phẩm tốt để đưa vào siêu thị của mình.

Ông Khúc Tiến Hà cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ các nhà sản xuất trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Các hội nghị giao thương luôn là nội dung quan trọng trong hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm hằng năm của thành phố Hà Nội. Ngược lại, là một thị trường lớn với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng cao, Hà Nội cũng luôn là điểm đến của sản phẩm hàng hóa của nhiều địa phương. Chính vì thế, theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nội dung quan trọng nhất của Hội nghị là kết nối đc nhu cầu của các bên. Trong thời gian qua thành phố Hà Nội đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh tổ chức nhiều tuần hàng giới thiệu nông sản. Ông Nguyễn Doãn Toản đề nghị các tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành tích cực hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững, đáp ứng nhu cầu và góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới, hàng hóa của các tỉnh đưa về Hà Nội sẽ được tại điều kiện tốt nhất để lưu thông, vận tải, sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, bớt đi chi phí không cần thiết. Ông cũng bày tỏ mong muốn các địa phương sẽ quan tâm hơn nữa việc cùng với Hà Nội kết nối cung cầu, các doanh nghiệp chủ động, năng động hơn, để giúp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.