Cao Bằng tập trung phát triển hạ tầng giao thông

Xác định rõ tầm quan trọng của giao thông trong phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương, tỉnh Cao Bằng đã tập trung huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm phát triển hạ tầng giao thông. Qua đó, tạo thuận lợi phát triển du lịch, kinh tế cửa khẩu và thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo chuyển biến tích cực về thu ngân sách, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đường giao thông nông thôn ở xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng.
Đường giao thông nông thôn ở xóm Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng.

Ðộng lực phát triển nông thôn

Với đặc thù tỉnh miền núi, địa hình rộng, chia cắt mạnh, lại xa các đô thị lớn, tỉnh Cao Bằng xác định việc huy động nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông có tầm quan trọng đặc biệt để thu hút, giữ chân nhà đầu tư và khai thác, phát huy thế mạnh địa phương. Tỉnh ủy Cao Bằng đã ban hành Chương trình số 09-Ctr/TU về phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2016 - 2020; đề xuất, kiến nghị T.Ư bố trí vốn, huy động ngân sách tỉnh, đồng thời đề nghị doanh nghiệp, người dân đóng góp phát triển giao thông đạt kết quả cao.

Ngày nào, để đi vào bản Chàng Ðỉ, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng còn phải trèo đèo lội suối cắt rừng, nhưng hôm nay đường ô-tô đến trung tâm xóm đã được thông tuyến. Chúng tôi chứng kiến cảnh người dân trong bản rất phấn khởi vì việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trở nên dễ dàng hơn trước rất nhiều. Anh Hoàng Văn Sỹ, một người dân bản Chàng Ðỉ chia sẻ, trước kia, do chưa có đường ô-tô, muốn thuê xe chở hàng hóa, nông sản, trâu, bò trong xóm sang bán ở chợ huyện Trà Lĩnh và mua trâu, bò về vỗ béo phải mất chi phí 200 nghìn đồng/con. Khi có đường, phí vận chuyển giảm chỉ còn 130 nghìn đồng/con, dân bản được hưởng lợi nhiều lắm. "Hiện nay, hơn 20 hộ trong bản Chàng Ðỉ đã bỏ tiền mua trâu, bò về nuôi vỗ béo để bán, mỗi hộ có từ 10 đến 20 con trâu bò/năm, thu lãi từ 40 đến 80 triệu đồng/hộ. Nhiều người đã xây được nhà ngói, mua xe máy, ti-vi nhờ con đường về bản!", anh Sỹ cười rạng rỡ.

Tại bản Luống Nọi, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng, với hình thức Nhà nước hỗ trợ xi-măng, người dân góp công, tiền mua vật liệu, từ năm 2013 đến nay, xóm đã mở mới, kiên cố hóa gần 4 km đường liên xóm, đường nội đồng. Trưởng bản Luống Nọi Hoàng Văn Tín khẳng định, giao thông phát triển đã thúc đẩy người dân đầu tư máy móc, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Trước đây, vận chuyển phân bón, giống cây trồng, thu hoạch, người dân đều gồng gánh trên vai. Khi giao thông phát triển, từ việc làm đất, thu hoạch, dân bản đều sử dụng máy cày, máy gặt, máy tuốt lúa giúp người làm nông nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức rất nhiều. Qua đó, người dân có thêm thời gian phát triển nghề phụ như dệt thổ cẩm, thợ xây,... để nâng cao thu nhập. Trong xóm, nhiều hộ đạt thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm; hiện chỉ còn ba hộ nghèo trong tổng số 83 hộ của xóm, do già yếu, thiếu nhân lực làm ăn.

Trong tỉnh Cao Bằng, huyện Hà Quảng là nơi thực hiện hiệu quả việc phát triển hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đầu tư 276 tỷ đồng cải tạo, nâng cấp, mở mới 195 km đường giao thông. Những tuyến đường liên xã, liên xóm, đường nội đồng được đầu tư mở rộng, vươn xa đã tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa cho người dân. Bí thư Huyện ủy Bế Ðăng Khoa cho biết, địa hình huyện chia làm hai vùng rõ nét, vùng cao và vùng đồng. Vùng cao gồm 12 xã vùng Lục Khu, địa hình phức tạp, thiếu nước, ít đất sản xuất, nhưng có tiềm năng chăn nuôi gia súc, phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Chính vì thế, trọng tâm phát triển giao thông của huyện là đầu tư đường giao thông đến vùng Lục Khu.

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lã Hoài Nam, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông nông thôn; trong đó, có gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp và nhân dân đóng góp đầu tư. Mạng lưới giao thông hoàn thiện đã tạo thuận lợi thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển
kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Tạo đột phá từ các công trình trọng điểm

Nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Cao Bằng đặt trọng tâm kết nối giao thông gắn kết các khu, điểm du lịch; phát triển kinh tế cửa khẩu và đô thị. Theo đó, một số dự án trọng điểm phát triển giao thông đã được triển khai. Tỉnh đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, có tuyến đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Ðồng Ðăng (Lạng Sơn) được xác định là trục đột phá, tạo động lực cho phát triển kinh tế địa phương. Trong điều kiện nguồn ngân sách T.Ư còn hạn hẹp, tỉnh đã đề xuất phương án đầu tư tuyến đường cao tốc này theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, Cao Bằng cam kết đóng góp gần 2.500 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, cùng vốn ngân sách nhà nước và vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhiều công trình giao thông trọng điểm khác cũng được triển khai đầu tư, đơn cử như tuyến đường từ động Hang Dơi (xã Ðồng Loan, huyện Hạ Lang) đến khu du lịch thác Bản Giốc (xã Ðàm Thủy, huyện Trùng Khánh), tổng dự toán 109 tỷ đồng; dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 211 (Trùng Khánh - Trà Lĩnh) tổng dự toán đầu tư gần 256 tỷ đồng; dự án đường phía nam khu đô thị mới TP Cao Bằng, tổng vốn đầu tư gần 647 tỷ đồng,...

Trên công trường đường phía nam khu đô thị mới TP Cao Bằng những ngày này, các đơn vị đang huy động tối đa nhân lực, thiết bị thi công, phấn đấu hoàn thành trong tháng 9. Theo Chỉ huy trưởng công trường Trịnh Ngọc Tiễn, gần 200 kỹ sư, công nhân được huy động, chia ca thi công liên tục 11 giờ/ngày, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng công trình để chào mừng kỷ niệm 520 năm thành lập tỉnh (1499 - 2019). Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Cao Bằng Nguyễn Anh Quế cho biết, tuyến đường này rộng 58 m, dài 5,8 km, quy mô bốn làn xe, kết nối trung tâm thành phố và khu đô thị mới Ðề Thám, mở ra không gian đô thị mới phát triển TP Cao Bằng. Công trình đã hoàn thành 85% khối lượng, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật thi công và chất lượng. Kết cấu hạ tầng giao thông trong tỉnh từng bước hoàn thiện đã tạo thuận lợi khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương. Nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn như Sun Group, FLC, TH,... đã đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư hơn 33 nghìn tỷ đồng tại Cao Bằng. Từ tháng 8, Tập đoàn TH bắt đầu xúc tiến phối hợp các đơn vị liên quan giải phóng mặt bằng thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Phục Hòa, với tổng vốn đầu tư 4.300 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2024.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn nhấn mạnh, lâu nay, giao thông là "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do đó Cao Bằng quyết tâm tháo gỡ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh đã xây dựng Ðề án phát triển giao thông, xác định danh mục các công trình cấp bách cần làm trước. Từ đó, tập trung dành nguồn lực đầu tư trọng điểm, không dàn trải, xây dựng một số tuyến giao thông trọng điểm tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Ðến nay, việc triển khai dự án cao tốc Trà Lĩnh - Ðồng Ðăng đã đạt những kết quả tích cực. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí 100 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh giải phóng mặt bằng; tỉnh cũng bố trí ngân sách phục vụ triển khai dự án. Ðường cao tốc Trà Lĩnh - Ðồng Ðăng là công trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, là khát vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh.