Cảnh báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi

NDO -

NDĐT- Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch tả lợn đã lan sang Trung Quốc, tiềm ẩn những nguy cơ có thể lây lan sang Việt Nam qua đường biên giới. Bởi vậy, cần tăng cường ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hiện nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: THANH TRÀ)
Hiện nay vẫn chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: THANH TRÀ)

Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện tại Việt Nam, tuy nhiên nguy cơ bệnh dịch có thể lây lan sang nước ta qua biên giới rất cao. Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã yêu cầu các cơ quan liên quan, các địa phương, đặc biệt là khu vực biên giới phải tăng cường các biện pháp phòng tránh nguy cơ lây nhiễm và bùng phát bệnh dịch.

Chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu dịch tả lợn châu Phi

Theo Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến ngày 10-9, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp giáp giữa châu Âu và châu Á ghi nhận dịch tả lợn châu Phi, với tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 500 nghìn con.

Tại Trung Quốc, từ đầu tháng 8 đến nay đã ghi nhận 14 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Triết Giang, với tổng số hơn 38 nghìn con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy.

Theo PGS-TS Tô Long Thành, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y), bệnh dịch tả lợn châu Phi được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi năm 1920, cụ thể là tại Kenya và khu trú tại lục địa này rồi trở thành dịch bệnh địa phương.

Đến khoảng những năm 1950, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện và lan ra châu Âu. Sau đó, các nước EU tập trung thành chiến dịch vô cùng nghiêm ngặt và tốn kém để loại bỏ dịch. Nhưng cũng mất tới 40 năm, các nước EU (trừ Sardinia) mới loại bỏ được hoàn toàn dịch tả lợn châu Phi.

Cảnh báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi ảnh 1

Từ cuối năm 2017 đến nay có khoảng hơn 500 nghìn con lợn bị tiêu hủy do mắc dịch tả lợn châu Phi. (ảnh internet)

Tuy nhiên, đến năm 2007 bệnh dịch bắt đầu được ghi nhận quay trở lại châu Âu. Đầu tiên bệnh bùng phát tại các nước thuộc khu vực Caucasus (Armenia, Azerbaijan, Gruzia), sau đó lan sang các nước nước vùng Baltic và đến 2014 lan sang Đông Âu. Trung Quốc là quốc gia gần đây nhất ghi nhận bùng phát dịch.

Hiện tại, EU vẫn coi dịch tả lợn châu Phi là mối đe dọa chính và nguy lớn nhất với ngành chăn nuôi lợn tại châu lục. Bởi từ năm 1920 đến nay, tức mất gần 100 năm, thế giới vẫn chưa nhiên cứu thành công loại vaccine nào phòng ngừa được loại dịch bệnh này bởi virus có cấu tạo và cơ chế lây lan vô cùng phức tạp.

“Dịch tả lợn châu Phi do virus gây ra nên việc dùng kháng sinh điều trị không hiệu quả, một khi lợn nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết lên tới 100% nên chỉ có giải pháp duy nhất là tiêu hủy. Do đó, dù bệnh không lây lan trực tiếp sang người, song hậu quả dịch tả lợn châu Phi gây ra cho người chăn nuôi và ngành kinh doanh, chế biến thịt lợn vô cùng lớn, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh thực phẩm”, PGS-TS Tô Long Thành khuyến cáo.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh tại Việt Nam

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), dịch tả lợn đã lan sang Trung Quốc, tiềm ẩn những nguy cơ có thể lây lan sang Việt Nam qua đường biên giới. Bởi vậy, cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh hiện nay ngành chăn nuôi lợn đang khởi sắc, chiếm tỷ trọng cao, chỉ cần có biến cố là ảnh hưởng đến sự phát triển chung.

Ông Dương cũng cho biết, hiện nay, Bộ NN-PTNT đã có công điện gửi các địa phương yêu cầu các địa phương phải bình tĩnh, không được chủ quan, kiểm soát tốt sản phẩm nhập khẩu, từ lợn sống đến thịt đã qua chế biến.

Ngoài ra, ông Dương khuyến cáo người chăn nuôi, các doanh nghiệp, HTX xác định công tác phòng, chống dịch rất quan trọng, không được lơ là vì hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng bệnh; chăm sóc tốt đàn lợn để có sức đề kháng; hạn chế khách tham quan cơ sở chăn nuôi; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Cảnh báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi ảnh 2

Bộ NN-PTNT khuyến cáo người chăn nuôi khi phát hiện phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. (ảnh: THANH TRÀ)

Còn theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN-PTNT), người chăn nuôi và chính quyền địa phương các cấp khi phát hiện lợn bệnh hoặc nghi nhiễm bệnh, bị chết cần báo ngay cho thú y xã, cơ quan thú y nơi gần nhất. Việc giấu dịch, giữ lợn bệnh để tự điều trị là một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch bùng phát, khó khống chế và kiểm soát dịch.

Ông Thành cho biết, người dân khi phát hiện lợn bệnh cần báo ngay cho nhân viên thú y xã, chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để lấy mẫu xét nghiệm trước khi thực hiện việc tiêu hủy đàn lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín.

Chính quyền và các cơ quan chuyên môn cần tổ chức ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, các biện pháp phòng, chống theo quy định, đặc biệt phải dừng việc vận chuyển, lợn, sản phẩm lợn kể cả các sản phẩm đã qua chế biến chín từ nơi vùng dịch tránh để dịch lây lan.

Virus dịch tả lợn có khả năng chịu được nhiệt độ, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao. Loại virus này có thể tồn tại được trong thời gian từ ba đến sáu tháng và chỉ có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56 độ C trong 70 phút hoặc 60 độ C trong 20 phút. Cục Thú y khuyến cáo, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng.

*Khẩn cấp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam