Cẩn trọng khi tham gia “cuộc chơi” tại siêu thị

Vụ việc siêu thị Big C Việt Nam ra thông báo tạm thời không nhập các mặt hàng may mặc của doanh nghiệp (DN) Việt Nam để tái cơ cấu hệ thống, nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ khách hàng được coi là bước đi phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, với việc ra văn bản thông báo ngày hôm trước và ngay ngày hôm sau thực hiện khiến các DN không kịp trở tay.

Khách hàng chọn mua hàng may mặc tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội).
Khách hàng chọn mua hàng may mặc tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội).

Bất ngờ gặp khó

Ngày 2-7, Tập đoàn Central Group (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam) phát đi thông báo về việc tạm dừng nhập tất cả sản phẩm may mặc của các nhà cung cấp tại Việt Nam. Việc làm này không chỉ gây bất ngờ đối với các nhà cung ứng hàng hóa nội địa, đã làm ăn lâu dài với Big C hàng chục năm qua mà còn đẩy DN may mặc vào tình thế hết sức khó khăn, khiến hàng nghìn người lao động lao đao, đứng trước nguy cơ mất việc làm. Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam.

Tại buổi làm việc giữa ba bên gồm đại diện Bộ Công thương, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Tập đoàn Central Group, Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam Phi-líp-pe một lần nữa khẳng định, tập đoàn này tiếp tục cam kết thu mua hàng hóa địa phương trong đó có hàng may mặc Việt Nam. Tuy nhiên, tập đoàn sẽ xem xét lại mô hình kinh doanh không chỉ là mua hàng của các nhà cung cấp để bán mà sẽ định hướng lại phân khúc sản phẩm chất lượng hơn. Vì vậy, Big C sẽ làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm các đơn hàng tiếp theo. Ông Phi-líp-pe cũng khẳng định "Thông báo" ngừng nhập trong 15 ngày để xem xét, đánh giá lại năng lực cung cấp hàng của 200 nhà cung cấp hiện nay chứ không phải dừng nhập hàng "made in Vietnam". Trong đó, ngay trong ngày 4-7, Big C đã mở lại đơn hàng với 50 nhà cung cấp, trong hai tuần tiếp theo sẽ mở lại đơn hàng với khoảng 100 nhà cung cấp nữa. Với 50 nhà cung cấp còn lại, Big C cần thời gian lâu hơn để đến đánh giá trực tiếp, xem xét về năng lực sản xuất, chất lượng, giá cả có thể đáp ứng được yêu cầu của tập đoàn không.

Việc làm của Big C Việt Nam mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, thế nhưng, với cách hành xử "nay phát thông báo tạm dừng, mai thực hiện luôn", sau khi thấy không ổn, lại xoa dịu bằng cách mở lại dần dần, khiến các DN bức xúc. Ðề cập tới vấn đề này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vitas Trương Văn Cẩm khẳng định, việc làm của Big C vừa qua quá đột ngột bởi khi các bên ký hợp đồng kinh doanh với nhau cần tuân thủ theo hợp đồng và quy định của pháp luật. Nếu có sự thay đổi cần bàn bạc, thỏa thuận với nhau để có lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên. Ðặc biệt, đối với các DN may mặc, phải thông báo trước để họ không nhập nguyên phụ liệu, không sản xuất nữa để giảm tổn thất, chi phí. Ðối với những nhà cung cấp không còn phù hợp yêu cầu của Big C, cũng cần có chính sách bảo đảm quyền lợi cho họ. Việc Big C tái cơ cấu hệ thống, nâng cao chất lượng sản phẩm là bình thường, phù hợp quy luật thị trường, nhưng cũng cần tuân thủ cam kết đã ký với các nhà cung cấp Việt Nam, phải bảo đảm quyền lợi cho các bên, ít nhất không để nhà cung cấp hàng hóa bị thiệt hại. Bản thân các nhà cung ứng sản phẩm cũng phải tự thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của đối tác, nhất là việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm,... nhằm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Xây dựng doanh nghiệp đủ mạnh

Thị trường bán lẻ những năm qua đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt. Không ít các "đại gia" bán lẻ nổi tiếng nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Ðể tham gia vào hệ thống bán lẻ này, nhiều DN Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng" chịu mức chiết khấu "cắt cổ" từ 30 đến 40% giá trị sản phẩm mà các DN, siêu thị bán lẻ nước ngoài đề ra. Ðiều đó đã phản ánh sự mất cân đối giữa nhà cung cấp và DN, siêu thị bán lẻ hàng hóa. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, các DN nội địa đã phải chịu quá nhiều loại phí và phụ phí để đứng được chân vào hệ thống siêu thị nước ngoài với mục đích nâng tầm thương hiệu sản phẩm. Trên thực tế, hầu hết các DN đều không có lãi do DN chịu mức phí cao dẫn đến giá sản phẩm bị đẩy lên, giảm sức cạnh tranh so với các sản phẩm cùng loại khác. Vụ việc Big C thông báo dừng nhập hàng của các DN may mặc vừa qua mặc dù đã được giải quyết và Big C hứa nhập hàng ngay, thế nhưng vấn đề "gốc rễ" là ở chỗ cần xem xét lại hợp đồng và trên thực tế, nhà cung cấp thường chịu thiệt thòi. Vì vậy, khi làm ăn với các đối tác nước ngoài, DN càng phải cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng.

Cùng chung nhận xét, PGS,TS Vũ Trí Dũng, giảng viên Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội khẳng định, về mặt luật pháp, việc làm của Big C không sai, nhưng vấn đề ở đây là trách nhiệm xã hội. Ðó là phải sử dụng lao động và sản phẩm của địa phương. Ðây không phải là một nguyên tắc nhưng là một giá trị, là văn hóa của DN. Do đó, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng được những DN trong nước đủ mạnh để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. DN phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tác.

Ngoài ra, phải nghiên cứu, sửa đổi hệ thống pháp luật liên quan để bịt lỗ hổng về pháp lý mà DN nước ngoài có thể lợi dụng hưởng lợi, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời, phải có chính sách phát triển các DN, tập đoàn theo chuỗi. Tạo sự liên kết giữa các DN Việt, phát triển sản xuất gắn với hệ thống phân phối thật tốt; giảm bớt khâu trung gian, giá cả cạnh tranh để tăng sức hút đối với người tiêu dùng.