Cần hệ thống thể chế chuẩn mực cho lớp doanh nhân “chuẩn hóa”

NDO -

Ngày 12-10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, VCCI đã tổ chức diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2020 với chủ đề “Doanh nhân Việt Nam - Tổ quốc gọi tên mình”, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10.

Đào hầm Hải Vân 2.
Đào hầm Hải Vân 2.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định, trong thời gian gần đây, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; hình thành nên một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín đối với các đối tác quốc tế. Do vậy, chúng ta cần một hệ sinh thái chuẩn mực, một hệ thống thể chế chuẩn mực cho một thế hệ doanh nhân “chuẩn hóa”, nhằm xây dựng và phát triển một đất nước hùng cường.

Từ đầu năm trở lại đây, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng, nhiều đơn vị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng trước rủi ro trong khi dịch chưa có dấu hiệu kết thúc trên toàn cầu. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nhân vẫn luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

 “Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương, chính sách mà chúng tôi thiết nghĩ rất cần sự quan tâm của Đảng, đó là chủ trương chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Đối tượng này rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, làm rõ vai trò, chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững ở nước ta”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Cũng trong chương trình, cuộc đối thoại “Đảng với doanh nhân”, với chủ đề “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng” diễn ra sôi nổi và nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết đến từ các doanh nhân.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nhận định: “Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã củng cố niềm tin cho nhân dân về một Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo ra động lực mới cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính có cơ hội vươn lên và cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Là một công dân - doanh nhân Việt, tôi bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng vào công tác nhân sự của Đảng đang thực hiện để chọn ra thế hệ lãnh đạo xứng tầm, tư duy đổi mới, có bản lĩnh đối mặt với thách thức, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vì sự trường tồn của dân tộc, chia sẻ và đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam”.

Thông qua đại dịch Covid-19, đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự nhận biết mình đang ở đâu, cần làm gì để chung tay xây dựng, tháo gỡ khó khăn từ hệ lụy do dịch bệnh gây ra. Không gì thiết thực hơn là tập trung hoàn thành các dự án đang triển khai, sớm đưa vào vận hành như đã cam kết, nhằm phụng sự mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng đã đề ra, như một kim chỉ nam hành động và nỗ lực phấn đấu để hướng tới tương lai tốt đẹp.

Cần hệ thống thể chế chuẩn mực cho lớp doanh nhân “chuẩn hóa” -0
 Thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Với chiến lược “Tăng trưởng tập trung”, triển khai các dự án thân thiện môi trường khi đã làm chủ được công nghệ “Gặp núi đào hầm, gặp thung lũng bắc cầu”, từ nay đến cuối năm, Tập đoàn Đèo Cả đang dốc sức hoàn thành hầm Hải Vân 2 đưa vào vận hành, thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tối ưu lực lượng sản xuất để tham gia các dự án như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh tại Cao Bằng, hai cầu Cửa Lục tại Quảng Ninh, các dự án cao tốc bắc - nam phía đông.

“Trong bối cảnh hiện nay, để đủ năng lực cạnh tranh và phát triển, doanh nghiệp chúng tôi xác định, sẽ tích cực và thẳng thắn tham gia đóng góp ý kiến để cùng với Nhà nước tạo ra một môi trường đầu tư phù hợp trong tương lai, với những phản ánh khách quan từ hoạt động thực tiễn của mình. Đồng thời, mở rộng vòng tay liên doanh, liên kết, chia sẻ kinh nghiệm và trách nhiệm, tạo ra các chuỗi cung ứng giảm thiểu chi phí và tối ưu lực lượng sản xuất, nhận diện các yếu kém, xác định hạn chế của chính mình để dũng cảm thay đổi, khắc phục”, ông Hồ Minh Hoàng thẳng thắn góp ý.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ Nguyễn Mạnh Thản cho biết, trong bối cảnh thế giới diễn biến thay đổi khó lường, yêu cầu của chúng ta là phải tiếp tục phát triển bằng cách tái cấu trúc, thay đổi thị trường sản phẩm cho phù hợp. Để giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Đảng và Nhà nước cần quan tâm tới thể chế. Hiện nay, các văn bản luật và dưới luật đã lạc hậu, chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế của cuộc sống, gây tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim Nguyễn Đức Cây cũng kiến nghị với Đảng và Nhà nước hai nội dung chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển một cách toàn diện. Thứ nhất, về cơ chế chính sách, đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm đến sự đồng bộ trong ban hành các cơ chế, chính sách, sớm loại bỏ tình trạng thông tư, nghị định của các bộ, ngành chồng chéo, làm cho hệ thống kinh tế nói chung và hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, doanh nhân bị xáo trộn. Thứ hai, Đảng và Nhà nước có biện pháp hữu hiệu xử lý triệt để tình trạng gây phiền hà, tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương.