Cần cơ chế đặc thù hỗ trợ các dự án điện gió ngoài khơi

Chưa bao giờ lĩnh vực đầu tư, phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam lại thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính quốc tế và trong nước như trong hai năm trở lại đây.

Thăng Long Wind được các chuyên gia đánh giá là dự án điện gió ngoài khơi mang tính đột phá và có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam.
Thăng Long Wind được các chuyên gia đánh giá là dự án điện gió ngoài khơi mang tính đột phá và có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam.

Để thu hút dòng vốn đầu tư hàng trăm tỷ USD vào lĩnh vực này trong thời gian từ 5 đến 10 năm tới thì việc đột phá trong công tác lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và các chính sách kèm theo cần phải thực hiện từ bây giờ theo định hướng của Nghị quyết 36-NQ/TW Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam và Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về Ðịnh hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, với tiềm năng dầu khí của Việt Nam, Ðảng và Nhà nước đã ban hành các cơ chế, chính sách đúng đắn, kịp thời, qua đó thu hút được làn sóng đầu tư từ các tập đoàn dầu khí hàng đầu trên thế giới, tạo động lực to lớn giúp đất nước vượt qua các thách thức và phát triển mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, Việt Nam có tiềm năng 475 GW điện gió ngoài khơi tại vùng biển từ bờ ra đến 200 km. Năm 2020, theo dự báo của Tổ chức năng lượng thế giới (IEA), Việt Nam sẽ là một trong năm trung tâm gió biển khu vực Ðông - Nam Á của thế giới cùng với Bắc Âu, Mỹ, Ðông Á, Nam Mỹ. Kể từ năm 1991, với dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Ðan Mạch, thế giới đã và đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ đầu tư từ lĩnh vực dầu khí sang lĩnh vực điện gió ngoài khơi của các công ty dầu khí tên tuổi trên thế giới Shell, BP, Total,... Việt Nam với lợi thế về điều kiện gió biển tự nhiên thuận lợi và cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề của ngành dầu khí là điểm đến lý tưởng cho các tập đoàn năng lượng tái tạo quốc tế.

Việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Ðảng là yếu tố quan trọng thu hút làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước đang tìm các giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ðồng thời, với công nghệ chế tạo tua-bin phát triển như hiện nay, khi các công ty Việt Nam đã tham gia vào chuỗi gia công, chế tạo toàn cầu thì giá bán điện sẽ giảm dần, vừa giải quyết được vấn đề nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời hài hòa được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Nhận định về Nghị quyết 55-NQ/TW, ông I.Hát-tơn, Chủ tịch Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án điện gió Thăng Long Wind, cho biết: "Nghị quyết 55-NQ/TW là một bước đi hợp lý để bảo đảm cung cấp đủ năng lượng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Với tầm nhìn đến năm 2045, tương ứng với định hướng toàn cầu trong quá trình giảm thiểu khí thải các-bon của các nền kinh tế, nếu Chính phủ Việt Nam có những cơ chế linh hoạt cho phép doanh nghiệp nước ngoài có "không gian" để phát triển các ý tưởng mới và xây dựng chúng trong "thế giới thực" thì Việt Nam có thể đạt tới vị trí dẫn đầu toàn cầu về năng lượng không các-bon". Hơn nữa, các khái niệm dựa trên năng lượng tái tạo như "Enterprize Energy Plus" của Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy cũng có thể cung cấp các sản phẩm khử các-bon trong lĩnh vực khác như hóa chất, nông nghiệp và cung cấp nước.

Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy đã thấy những cam kết đối với những khái niệm này ở Trung Ðông và Ô-xtrây-li-a, nơi mà quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế không các-bon được dự báo sẽ diễn ra tốt đẹp trong giai đoạn đến năm 2045. "Vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Enterprize Energy rất vinh dự có cơ hội tham gia, gặp gỡ và trình bày lần đầu trong cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thứ trưởng Thương mại cùng đại diện Chính phủ Vương quốc Anh. Giữa Vương quốc Anh và Việt Nam có mối quan hệ tốt đẹp, cùng mong muốn phát triển thương mại và liên kết văn hóa giữa hai nước", ông I. Hát-tơn nhấn mạnh.

Vương quốc Anh là quốc gia có tổng công suất phát triển tài nguyên gió ngoài khơi lớn nhất thế giới và có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU gần đây có hiệu lực vào ngày 1-8-2020 sẽ hỗ trợ nâng cao chuyên môn và lợi ích tài chính cho ngành công nghiệp ngoài khơi của Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn năng lượng Enterprize Energy đã tham dự Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 (Vietnam International Innovation Expo 2021 - VIIE 2021), khu vực trưng bày dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long Wind tại Bình Thuận của tập đoàn đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các giới khoa học chuyên môn và khách tham quan.

Với tinh thần Nghị quyết 55/NQ-TW về thu hút vốn đầu tư nước ngoài là "ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu", ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, rất cần có cơ chế đột phá, hỗ trợ cho các dự án như dự án Thăng Long Wind, đơn cử như sớm đưa vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, sớm xây dựng đường dây 500 kV để giải phóng công suất theo tiến độ triển khai dự án và xây dựng cơ chế mua bán điện phù hợp đặc thù của dự án điện gió ngoài khơi, nhằm hút được vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng, giảm bớt gánh nặng trên vai Nhà nước.

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG