Cà Mau thu hút đầu tư các dự án trọng điểm, động lực

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thu hút đầu tư trong nước được 188 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 50.342 tỷ đồng, tăng 75% về số lượng dự án và 21% về vốn đăng ký đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Thu hút được bảy dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 387 triệu USD.

Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau).
Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau).

Hoạt động của các dự án đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xúc tiến đầu tư như: hình thức mời gọi chưa phong phú; thiếu chính sách ưu đãi đặc thù để khắc phục, bù đắp những bất lợi về vị trí địa lý và điều kiện hạ tầng…

Thời gian tới, tỉnh sẽ tích cực kêu gọi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm, động lực như: cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, hạ tầng khu phi thuế quan Khu kinh tế Năm Căn, Khu du lịch Mũi Cà Mau... Tỉnh sẽ quan tâm đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh; nhất là ưu tiên

thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế biển; năng lượng tái tạo; du lịch...

★ Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đạt nhiều kết quả tích cực. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1,52%/năm. Kinh tế nông nghiệp dần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng, từng bước gắn với thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đã tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần cải thiện đời sống, giảm nghèo khu vực nông thôn.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tập trung nhiều giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và bền vững, nâng cao thu nhập cho nông dân. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) toàn ngành nông nghiệp tăng từ 2,5 đến 3%/năm; giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/năm; thu nhập của người dân nông thôn tăng ít nhất hai lần so với năm 2020.

Ðể thực hiện, tỉnh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, chú trọng hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP cho các tổ chức, cá nhân như hỗ trợ 100% kinh phí xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất theo chuẩn VietGAP, thuê tư vấn, đào tạo cán bộ, người lao động tại cơ sở sản xuất, thuê tổ chức đánh giá chứng nhận…

Ngoài ra, tỉnh hỗ trợ người dân cải tạo vườn cây ăn quả, vườn dừa tập trung; chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả; phòng, chống bệnh trên gia súc, gia cầm; tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá; phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ…

PV và TTXVN