Cà Mau ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử và không gian khởi nghiệp

NDO -

Chiều 21-1, nhân hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Cà Mau (iPEC), UBND tỉnh đã tổ chức lễ ra mắt sàn giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT) và không gian khởi nghiệp (KGKN) tỉnh Cà Mau.

Khách tham quan không gian trưng bày sản sản phẩm tại không gian khởi nghiệp Cà Mau.
Khách tham quan không gian trưng bày sản sản phẩm tại không gian khởi nghiệp Cà Mau.

Đây là một trong những nỗ lực của chính quyền tỉnh Cà Mau nhằm tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử.

Theo Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Cà Mau, sàn giao dịch thương mại điện tử Cà Mau có địa chỉ là https://madeincamau.com. Qua sàn GDTMĐT, doanh nghiệp Cà Mau có cơ hội tiếp cận miễn phí lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ; quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả và giảm thiểu thời gian, chi phí kinh doanh. Mặt khác, phía người tiêu dùng sẽ có nhiều tiện lợi hơn trong việc mua hàng, đặc biệt là khách du lịch khi đến Cà Mau sẽ thuận lợi hơn khi có được những mặt hàng đặc sản vùng miền ưng ý nhất được giao đến tận nhà, khỏi phải “tay xách nách mang” như trước.

Đối với không gian khởi nghiệp, bước đầu, tỉnh Cà Mau cải tạo lại và khai thác bốn tầng của toà nhà số 28, đường Phan Ngọc Hiển (phường 2, TP Cà Mau). Nơi đây sẽ là không gian làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Cà Mau khởi nghiệp, sáng tạo. Không gian khởi nghiệp chung còn là nơi để doanh nghiệp trưng bày và bán các sản phẩm khởi nghiệp, cà-phê khởi nghiệp, nơi tổ chức các sự kiện khởi nghiệp, nơi sinh hoạt của Câu lạc bộ khởi nghiệp, Câu lạc bộ Du học sinh Cà Mau...

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đặt kỳ vọng: Khi đi vào hoạt động, không gian khởi nghiệp sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, giúp hỗ trợ, ươm tạo những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo ban đầu thành những sản phẩm, dịch vụ, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học công nghệ và thị trường; giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu, giảm thiểu rủi ro và chi phí; hỗ trợ thúc đẩy việc thương mại hóa và ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống, tạo ra doanh thu và lợi nhuận tốt nhất.

iPec Cà Mau được thành lập vào đầu tháng 4-2019, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau. iPec thực hiện chức năng tư vấn, hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp; quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh Cà Mau. Qua gần hai năm kể từ ngày thành lập, iPEC Cà Mau đã hỗ trợ thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho các cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư là 1.066 hồ sơ, cùng hàng loạt hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư trong nước và quốc tế… Riêng trong năm 2020, theo đánh giá của người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau, tuy chịu tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19 nhưng iPEC Cà Mau đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, giới thiệu địa điểm, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư và đăng ký doanh nghiệp; phối hợp các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các nhà đầu tư khảo sát địa điểm để đề xuất dự án đầu tư. Bên cạnh đó, iPEC Cà Mau còn thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, du lịch và hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp; đặc biệt là việc ra mắt sàn GDTMĐT của tỉnh và không gian khởi nghiệp Cà Mau.

Hoạt động tích cực của iPEC trong thời gian qua không chỉ tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp và nhà đầu tư mạnh dạn mở rộng sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh mà còn góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng tích cực – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá.

Để thực hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được giao, trong năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị iPEC tập trung vào nhiệm vụ xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là: Tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng cường hoạt động truyền thông, các hoạt động hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm để quảng bá tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, gắn với phát triển dịch vụ, trải nghiệm; cần chọn sự kiện điểm nhấn để kéo du khách về Cà Mau, cùng với đó tổ chức nhiều hoạt động tiếp nối, chuỗi sự kiện để du khách có thời gian ở lại Cà Mau dài ngày.

“Việc này không chỉ làm trong năm 2021 mà phải thực hiện thường xuyên, từng bước tăng quy mô, tổ chức bài bản hơn để du khách đến Cà Mau thêm yêu mến, thêm tình cảm với vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc” – Đồng chí Lê Quân gợi mở và nhấn mạnh: Thông qua các sự kiện nhằm tăng cường thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả tài nguyên, phát triển du lịch, đưa du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Song hành với đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Cà Mau chỉ đạo iPEC: Cần tập trung thu thập thông tin, nhu cầu đầu tư; Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đổi mới phương thức và cơ chế xúc tiến đầu tư, tích cực thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư dự án trọng điểm (Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Năm Căn, thu hút các dự án đầu tư du lịch vào Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh Hạ, dự án Khu du lịch Mũi Cà Mau) nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm đáp ứng yêu cầu nhập khẩu vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA, phát triển kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch. Cùng với đó, iPEC cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Khai thác, sử dụng Sàn GDTMĐT hiệu quả, tập trung quảng bá các sản phẩm đặc sản của địa phương, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển mở rộng thị trường đối với các sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP...

Sau cùng, iPEC cần sử dụng hiệu quả, đúng mục đích KGKN tỉnh Cà Mau, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua khó khăn ban đầu, giảm thiểu rủi ro và chi phí; hỗ trợ và thúc đẩy việc thương mại hóa và ứng dụng sản phẩm vào cuộc sống, tạo ra doanh thu và lợi nhuận, góp phần hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh Cà Mau.