Góc nhìn

Bùng nổ vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài

Trong tổng số gần 31,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam từ đầu năm đến nay, riêng giá trị góp vốn mua cổ phần đã lên tới 11,24 tỷ USD, tăng 47,1% so cùng kỳ năm 2018 và chiếm 35,4% tổng vốn đăng ký.

Đáng chú ý, trong khi cả vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh của các dự án ĐTNN đều giảm thì dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) thông qua hoạt động góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại bùng nổ. Dòng vốn FII vào Việt Nam không chỉ có tác động kích thích thị trường tài chính phát triển theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng quy mô và tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho DN trong nước dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn mới mà còn góp phần nâng cao chất lượng quản trị DN.

Sức hút lớn khiến dòng vốn FII chảy vào Việt Nam những năm gần đây là nhờ tác động tích cực của nhiều yếu tố. Trước hết, Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản dưới luật quy định cụ thể các hình thức FII vào Việt Nam, bao gồm mua cổ phần, cổ phiếu, các giấy tờ có giá, Quỹ Đầu tư chứng khoán và thông qua các định chế tài chính trung gian khác mà nhà đầu tư (NĐT) không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Cùng với đó, việc thực hiện những cam kết rất chặt chẽ về tự do hóa và bảo hộ đầu tư tại nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam ký gần đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động FII vào Việt Nam. Một yếu tố quan trọng khác là quá trình thoái vốn nhà nước tại DN và cổ phần hóa DN nhà nước cũng tạo ra nguồn cung hấp dẫn và nhiều cơ hội đối với các NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, dòng vốn FII cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các kênh huy động vốn từ nước ngoài khác. Bởi đặc điểm của dòng vốn FII là di chuyển vào và ra rất nhanh, có thể khiến cho hệ thống tài chính trong nước bị tổn thương, thậm chí rơi vào khủng hoảng nếu gặp phải các cú sốc từ bên ngoài trong khi nội lực yếu. Vì vậy, bên cạnh những đánh giá tích cực về hoạt động góp vốn, mua cổ phần của NĐT nước ngoài tại DN Việt Nam, coi đó là một trong những hiện tượng tiến bộ trong quá trình 30 năm thu hút vốn ĐTNN, đã có những ý kiến tỏ ra thận trọng khi dòng vốn FII đang tăng quá mạnh.

Nhận diện những diễn biến mới của dòng chảy vốn ngoại, mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính với vai trò đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán, các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán (TTCK), kiểm soát rủi ro chuyển vốn, rút vốn ra nước ngoài. Để đẩy mạnh dòng vốn ĐTNN, trong đó có vốn FII vào thị trường, các chuyên gia khuyến nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm môi trường chính sách và kinh tế vĩ mô ổn định; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật trong nước bảo đảm phù hợp cam kết đầu tư quốc tế, trong đó chủ động nghiên cứu, dự thảo các nghị định và hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại mạnh mẽ TTCK, thúc đẩy các giải pháp nâng hạng TTCK Việt Nam từ hạng thị trường cận biên lên hạng thị trường mới nổi; thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch,…