Bình Thuận tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Với tốc độ phát triển trong những năm qua, thời gian tới, Bình Thuận có điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển bứt phá, khởi sắc hơn. Theo đó, tỉnh định hướng huy động hợp lý các nguồn lực, tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát huy tốt nhất các lợi thế so sánh, tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn”, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo đột phá trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Một góc TP Phan Thiết.
Một góc TP Phan Thiết.

Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực nam Trung Bộ, có diện tích tự nhiên 7.813 km2, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía nam, phía bắc giáp hai tỉnh Lâm Ðồng và Ninh Thuận; phía tây giáp tỉnh Ðồng Nai; tây nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; phía đông và đông nam giáp Biển Ðông có bờ biển dài 192 km, vùng lãnh hải rộng 52 nghìn km2; cách TP Hồ Chí Minh khoảng 200 km và TP Nha Trang 250 km. Ngoài khơi có huyện đảo Phú Quý cách TP Phan Thiết 120 km.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành Trung ương cũng như sự nỗ lực cố gắng của Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, phát huy tiềm năng, thế mạnh và các lợi thế riêng, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 (khóa 13), tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn vượt mục tiêu đề ra. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2016 tăng 7,42%, năm 2017 tăng 7,08%, năm 2018 tăng 8,08%; bình quân ba năm 2016 - 2018 tăng 7,53%/năm, dự kiến năm 2019 tăng 8%. Với đà tăng trưởng này, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 7,58%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Ðáng chú ý, Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tích cực mở rộng hợp tác đối ngoại, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2018 của Bình Thuận đã tăng lên 64 điểm, đứng thứ 22 trong số 63 tỉnh, thành phố. Tình hình thu hút dự án đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, số dự án được cấp chủ trương đầu tư và doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng khá. Từ năm 2017 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận đầu tư 264 dự án với tổng số vốn đăng ký 53.031 tỷ đồng. Trong đó, 99 dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh với tổng vốn đầu tư 11.523 tỷ đồng; 51 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng đang triển khai xây dựng; 114 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Các dự án được chấp thuận đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp; du lịch - dịch vụ du lịch; khu dân cư - đô thị; nông nghiệp. Trong đó công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 40 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75% vốn đầu tư.

Ðầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năm 2017 chiếm 74,78%; năm 2018 chiếm 78,13% và năm 2019 dự kiến chiếm khoảng 80%. Chỉ trong khoảng thời gian hơn hai năm, từ ngày 30-5-2017 đến 30-8-2019, Bình Thuận có 1.730 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 32.866 tỷ đồng.

Năm 2018, thu ngân sách của tỉnh đạt 7.363 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2017. GRDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.251 USD, tăng 13,75% so với năm 2017. Trong sáu tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển ổn định, hầu hết các chỉ tiêu đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP tăng 8,46%. Thu ngân sách nội tỉnh được 4.745 tỷ đồng, đạt 75,6% so với kế hoạch năm, tăng 30,9% so cùng kỳ năm 2018. Các công trình, dự án trọng điểm như các dự án năng lượng, hạ tầng giao thông… trên địa bàn tỉnh được quan tâm thực hiện, trong đó cảng quốc tế Vĩnh Tân đưa vào hoạt động khai thác giúp Bình Thuận có thêm một lợi thế cạnh tranh. Ðây là cửa ngõ giao thông kết nối kinh tế vùng Ðông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của tỉnh giúp Bình Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo nên sự bứt phá mang tính bước ngoặt trong những năm tới.

Bình Thuận là tỉnh có tiềm năng và tài nguyên về biển, rừng, nông nghiệp, khoáng sản, du lịch và năng lượng. Ðịnh hướng phát triển đến năm 2030, tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế theo cơ cấu công nghiệp, xây dựng - dịch vụ - nông lâm thủy sản dựa trên các trụ cột du lịch, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương.

Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 360 nghìn ha, có 79 hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu với năng lực thiết kế tưới 71 nghìn ha; là một trong bốn trọng điểm nghề cá lớn của cả nước, phù hợp cho phát triển nuôi trồng thủy sản các loại, Bình Thuận có điều kiện rất thuận lợi cho việc phát triển ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có năng suất cao; nuôi trồng thủy, hải sản tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến xuất khẩu.

Về du lịch, trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né (Bình Thuận) đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bình Thuận được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của cả nước và hình thành trung tâm du lịch thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế.

Ngoài ra, Bình Thuận hiện có chín khu công nghiệp với tổng diện tích 3.048 ha, trong đó các khu công nghiệp: Hàm Kiệm I, Hàm Kiệm II (huyện Hàm Thuận Nam), Sông Bình (huyện Bắc Bình) và Tuy Phong đang thu hút đầu tư; các khu công nghiệp: Tân Ðức, Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II (huyện Hàm Tân) đang triển khai thủ tục đầu tư. Cùng với đó, toàn tỉnh có 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 1.163 ha, trong đó có 15 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng, sẵn sàng thu hút các dự án công nghiệp vào đầu tư. Một số cụm công nghiệp đang kêu gọi dự án đầu tư, tập trung ở phía nam tỉnh.

Tuy nhiên, tiềm năng và lợi thế của Bình Thuận vẫn chưa được khai thác và phát huy hiệu quả do có những "điểm nghẽn" ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Chẳng hạn như, tuy có vị trí thuận lợi trong việc kết nối liên vùng cho hoạt động vận tải, giao thông và liên vùng trong nước cả về đường biển, đường bộ và đường sắt, nhưng hiện nay, cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ logistics chưa được đầu tư đồng bộ, qua đó ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là giao thông đối ngoại, đối nội. Các tuyến đường kết nối với Tây Nguyên như: quốc lộ 55, quốc lộ 28 và quốc lộ 28B, nhiều đoạn đường hư hỏng, xuống cấp, chưa tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đến cảng quốc tế Vĩnh Tân.

Bình Thuận cũng là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió và điện mặt trời. Số giờ nắng, bức xạ nhiệt cao và ổn định, tổng số giờ nắng cả năm lên đến 2.728 giờ; khu vực có tiềm năng gió tài chính của Bình Thuận là 23.549 ha, chiếm 3,0% tổng diện tích toàn tỉnh. Hiện nay, các dự án hiện hữu có công suất khoảng 6.038 MW. Với hệ thống đường dây truyền tải và trạm biến áp hiện có ở khu vực và theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (khoảng gần 11 nghìn MW) thì không thể đáp ứng việc truyền tải, giải phóng công suất cho các nhà máy điện tại tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới.

Ðể tiếp tục khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tập trung tháo gỡ những "điểm nghẽn" nhằm đẩy nhanh tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế, sớm rút ngắn chênh lệch và tiến kịp trình độ phát triển chung của cả nước, tỉnh Bình Thuận tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án vào ba trụ cột, gồm:

Du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, thương mại, khu đô thị, khu dân cư: Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bình Thuận sẽ hiện thực hóa Quyết định số 1772/QÐ-TTg ngày 18-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Tập trung kêu gọi các dự án du lịch cao cấp, các khu vui chơi - giải trí cao cấp, các dự án thương mại, đô thị, khu dân cư. Ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tầm cỡ để phát triển tỉnh Bình Thuận thành một điểm đến hấp dẫn, tạo ra các địa điểm vui chơi, giải trí phục vụ ngành du lịch để có cơ sở tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách. Ưu tiên kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại huyện đảo Phú Quý bảo đảm các tiêu chí về thân thiện môi trường, bảo tồn hệ sinh thái biển đảo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển cho toàn tỉnh.

Về công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics: ưu tiên thu hút các nhà đầu tư "sếu đầu đàn" có năng lực, chiến lược. Tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp, sử dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, bảo đảm thân thiện với môi trường. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí. Kêu gọi đầu tư ngành sản xuất phụ trợ cho ngành năng lượng (sản xuất tấm pin mặt trời, chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị điện…). Thu hút phát triển trung tâm dịch vụ logistics, khai thác phát huy hạ tầng cảng quốc tế Vĩnh Tân kết nối kinh tế vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ tạo hành lang kinh tế Ðông - Tây.

Về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu: Từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2017, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt đề án thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận, quy mô diện tích 2.155 ha. Tỉnh sẽ tiếp tục kêu gọi các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị trồng trọt, chăn nuôi, chế biến theo tiêu chuẩn quốc tế, thích ứng biến đổi khí hậu, mang giá trị kinh tế cao vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Bình Thuận.

Tiếp nối những thành công trong thời gian qua cùng với các định hướng phát triển bền vững về kinh tế - xã hội trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách, quy trình để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai cho biết, các công trình giao thông trọng điểm đang dần được hình thành, đó là Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Sân bay Phan Thiết và tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Nha Trang. Có thể nói, đây là thời điểm "vàng" để các nhà đầu tư đến Bình Thuận. Thời gian tới, Bình Thuận sẽ tập trung nguồn lực cho 5 đột phá: nhanh chóng hoàn thiện để trở thành điểm đến du lịch cấp quốc gia; phát huy lợi thế về công nghiệp năng lượng sạch; phát triển dịch vụ logistics trên nền tảng Cảng Quốc tế Vĩnh Tân để trở thành điểm trung chuyển hàng hóa chiến lược kết nối khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phát triển khu công nghiệp phía nam tỉnh đồng bộ, hiện đại để tận dụng lợi thế gần khu vực Cảng Cái Mép (Bà Rịa -Vũng Tàu) và Sân bay quốc tế Long Thành (Ðồng Nai), kết nối hệ sinh thái công nghiệp năng động Ðông Nam Bộ; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa lớn và hiệu quả.

Trong danh mục 50 dự án tỉnh Bình Thuận kêu gọi, nghiên cứu đầu tư có hai hình thức lựa chọn: Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để thực hiện dự án có 16 dự án. Theo Luật Đầu tư năm 2014 có 34 dự án, trong đó lĩnh vực: Bất động sản, dịch vụ, thương mại và du lịch có 12 dự án; hạ tầng khu công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo có 13 dự án; về nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao có tám dự án; dịch vụ logistics có một dự án. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận năm 2019, dự kiến UBND tỉnh Bình Thuận sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực: du lịch - đô thị, công nghiệp, y tế với tổng vốn đầu tư hơn 21.808 tỷ đồng.