Bến Tre đẩy mạnh du lịch bền vững

Ðể phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bến Tre tiếp tục đầu tư lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng bền vững, khai thác hiệu quả tài nguyên bản địa; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả.

Công nhân Công ty cổ phần giấy An Hòa, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vận hành dây chuyền sản xuất giấy xuất khẩu. Ảnh: TRẦN HẢI
Công nhân Công ty cổ phần giấy An Hòa, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) vận hành dây chuyền sản xuất giấy xuất khẩu. Ảnh: TRẦN HẢI

Theo đó, Bến Tre chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa địa phương. Ðồng thời, tổ chức rà soát quy hoạch, xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn riêng của từng địa phương trong quy hoạch chung của tỉnh; có cơ chế chính sách đặc thù, ưu tiên du lịch nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường..., khuyến khích, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án quy mô lớn.

Bến Tre hiện có bảy điểm du lịch nông thôn và hơn 40 homestay tập trung ở các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre. Với sức chứa hơn 1.000 khách, mô hình homestay đã góp phần thu hút ngày càng đông lượng khách du lịch đến trải nghiệm các sinh hoạt ngày thường của người dân, khám phá cuộc sống làng quê sông nước, trải nghiệm văn hóa bản địa. Theo UBND tỉnh Bến Tre, tổng lượng khách du lịch đến Bến Tre giai đoạn 2016-2019, tăng bình quân 17%/năm. Năm 2020, do ảnh hưởng hạn mặn, dịch Covid-19, tổng lượng khách du lịch đến Bến Tre ước đạt gần 850.000 lượt, giảm 56% so cùng kỳ; tổng thu từ du lịch, ước đạt 763 tỷ đồng, giảm 57% so cùng kỳ.

* Với nhiều chính sách, cơ chế phù hợp phát triển kinh tế lâm nghiệp, giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã trồng mới hơn 55.400 ha rừng sản xuất tập trung, nâng độ che phủ của rừng đạt hơn 65%; phấn đấu trở thành địa phương hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, thực hiện cơ chế, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng như hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người dân, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng rừng; thực hiện cơ chế liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp và người dân tham gia trồng rừng, mở rộng vùng nguyên liệu; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản. Các sản phẩm gỗ rừng trồng của Tuyên Quang đã được xuất khẩu sang các nước như: Ấn Ðộ, Mỹ, Xin-ga-po, Trung Quốc, các nước châu Âu...

Trong 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã trồng được hơn 55.400 ha rừng sản xuất tập trung, tạo vùng rừng gỗ nguyên liệu giấy đạt 132.000 ha, diện tích rừng kinh doanh gỗ lớn gần 69.900 ha; diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 35.800 ha. Sản lượng khai thác gỗ đạt 4,2 triệu m3, bình quân khai thác 844.000 m3/năm, đứng đầu các tỉnh miền núi phía bắc về sản lượng gỗ rừng trồng; nâng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 911 tỷ đồng năm 2015 lên 1.308 tỷ đồng năm 2019; năng lực chế biến gỗ rừng trồng, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và tỷ lệ che phủ rừng nằm trong nhóm đứng đầu cả nước.

Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế từ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp, hoàn thành sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của năm công ty lâm nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Xác định phát triển kinh tế rừng là nhiệm vụ chủ yếu trong chương trình phát triển lâm nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã thực hiện ba lần quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến lớn trong tỉnh; hỗ trợ các cơ sở sản xuất cây giống chất lượng cao, lồng ghép các chương trình, chính sách của Trung ương, thực hiện khoán bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ... Tất cả các chính sách hỗ trợ đã tạo nên nguồn lực để phát triển rừng theo hướng bền vững.