Bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền

Tính đến cuối tháng 6-2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG), bao gồm 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, một ngân hàng hợp tác; 1.182 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và bốn tổ chức tài chính vi mô.

BHTG Việt Nam đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động nghiệp vụ như cấp, thu hồi Chứng nhận BHTG; thu phí BHTG; quản lý, đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi;… từ đó bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền.

Công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG đã được BHTG Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các TCTD, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của BHTG Việt Nam và nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. Cùng với đó, công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn vốn, đem lại nguồn thu bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của BHTG Việt Nam.

Hầu hết vốn tạm thời nhàn rỗi của BHTG Việt Nam đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. BHTG Việt Nam đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí BHTG, tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc tính và nộp phí BHTG. Trong sáu tháng đầu năm 2019, BHTG Việt Nam đã thực hiện thu phí BHTG quý I và quý II-2019 đối với các tổ chức tham gia BHTG đạt 101,4% kế hoạch sáu tháng đầu năm và bằng 50% kế hoạch cả năm 2019. Nhìn chung, các tổ chức tham gia BHTG đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định. Toàn hệ thống BHTG Việt Nam thực hiện giám sát 100% tổ chức tham gia BHTG; hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 210 đơn vị tham gia BHTG gồm 16 ngân hàng thương mại, 193 QTDND, một tổ chức tài chính vi mô, đạt 46% kế hoạch cả năm 2019.

Công tác thông tin tuyên truyền được tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức, chú trọng khai thác các hình thức truyền thông mới như: tổ chức giao lưu với sinh viên các trường đại học tìm hiểu về chính sách BHTG; phối hợp chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), các tổ chức đoàn thể địa phương tổ chức các sự kiện, hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của các tổ chức, đoàn thể xã hội, người gửi tiền trên địa bàn. Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, BHTG Việt Nam cũng chú trọng phát triển các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động toàn hệ thống.

BHTG Việt Nam đã hỗ trợ các tổ chức tham gia BHTG sử dụng phần mềm truyền thông tin báo cáo điện tử từ các tổ chức tham gia BHTG cho BHTG Việt Nam, xây dựng các mẫu biểu tổng hợp tình hình thu nhận thông tin báo cáo về tiền gửi, thường xuyên rà soát và xử lý kịp thời các sự cố phát sinh trong quá trình gửi và tiếp nhận thông tin báo cáo. Công tác đào tạo, tổ chức, bồi dưỡng cán bộ cũng được BHTG Việt Nam quan tâm thích đáng; công tác nghiên cứu ứng dụng được triển khai tích cực, hiệu quả. Hoạt động hợp tác quốc tế được tăng cường nhằm chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả hệ thống BHTG tại Việt Nam.

Ðể hoàn thành nhiệm vụ năm 2019, BHTG Việt Nam đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong sáu tháng cuối năm, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHTG để tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại TCTD, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Ðề án củng cố và phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020 định hướng đến 2030 theo quyết định của NHNN; phối hợp chặt chẽ NHNN để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản quản trị điều hành theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

BHTG Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng công tác kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm, giám sát cảnh báo rủi ro; triển khai hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm; nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí BHTG theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn; phối hợp các đơn vị có liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thành viên của QTDND; đồng thời để người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách BHTG và hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, việc vận hành và sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và các ứng dụng phần mềm thuộc dự án FSMIMS cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Song song triển khai toàn diện hệ thống bảo đảm an toàn, bảo mật công nghệ thông tin; tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất chính sách; chủ động tham gia các hoạt động trao đổi hợp tác với các tổ chức BHTG quốc tế và các tổ chức quốc tế khác; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao, nhằm phát huy ngày càng tốt hơn vai trò của tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, an toàn, thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.