Bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong chiều 31-3, nhiều người dân Thủ đô đã đến các siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn để mua hàng hóa tích trữ.

Người dân mua hàng tại siêu thị Big C - Thăng Long (Hà Nội).
Người dân mua hàng tại siêu thị Big C - Thăng Long (Hà Nội).

Tại siêu thị Aeon Mall Long Biên (quận Long Biên), rất đông người xếp hàng đứng chờ thanh toán, cân đồ. Các giỏ, xe hàng chất đầy thịt, cá, rau, củ, mì ăn liền, sữa… Siêu thị đã liên tục thông báo về việc những ngày tới tiếp tục mở cửa bình thường để người dân yên tâm mua sắm, đồng thời, nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách, nhất là tại khu vực chờ thanh toán.

Tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm của Tập đoàn BRG, lượng khách đến mua cũng đông hơn hẳn ngày thường. Ông Nguyễn Thái Dũng, Chủ tịch Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đơn vị thành viên của Tập đoàn BRG cho biết, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội về việc dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng đầy đủ cho người dân trong mọi tình huống với mức giá ổn định, Hapro đã đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, xây dựng nhiều phương án dự trữ hàng hóa và cam kết bình ổn giá bán. Ðáng chú ý, từ 17 giờ ngày 31-3, Tập đoàn BRG đã chính thức mở thêm 10 cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu HaproFood trong chuỗi BRG Mart tại các tuyến phố chính như: Hàng Bài, Hàng Buồm, Hàng Ðậu, Ðội Cấn, Lò Ðúc, Tôn Ðức Thắng, Thợ Nhuộm, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính… giúp người tiêu dùng Thủ đô mua sắm thuận tiện. Tại đây, có nhiều sản phẩm được giảm giá bán từ 5 đến 30%, tập trung nhóm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Các cửa hàng, siêu thị của Tập đoàn BRG sẽ giao hàng miễn phí cho khách hàng trong bán kính 5 km đối với các đơn hàng có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên. Ðồng thời, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các nền tảng thương mại điện tử.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công thương đã triển khai phương án ba về việc bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và phục vụ khu vực bị cách ly với năm cấp độ trên địa bàn trong công tác chống dịch Covid-19. Phương án này có số lượng hàng hóa dự trữ trong tháng tăng gấp ba lần so với các tháng bình thường, bảo đảm tổng trị giá hàng hóa dự trữ tối thiểu trong ba tháng của quý II-2020 khoảng 194 nghìn tỷ đồng với 17 mặt hàng.

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, hiện nay, nguồn hàng hóa tại hệ thống các siêu thị, chuỗi, chợ trên địa bàn khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các doanh nghiệp sẵn sàng mở cửa bán hàng muộn, tăng cường nhân viên giao hàng để đẩy mạnh các hình thức bán hàng online (qua website, app trên điện thoại, kênh Ði chợ hộ, đặt điểm giao nhận tại các chung cư, cơ quan, công sở).

Bên cạnh đó, ngành công thương Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện thị xã trên địa bàn Hà Nội bảo đảm bốn tại chỗ, chủ động xác định lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn, thành lập các tổ điều phối hàng hóa thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân, chủ động ký kết với các đơn vị phân phối, hỗ trợ địa điểm chưa sử dụng (nhà văn hóa, trung tâm TDTT…) để giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ hàng hóa và bán lưu động khi cần thiết.

Theo Bộ Công thương, tất cả các địa phương và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước đã có phương án cụ thể về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho thị trường, luôn bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; các doanh nghiệp phân phối và nhiều tiểu thương tại các chợ vẫn liên tục kinh doanh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Về việc vận chuyển hàng hóa, ngoài phương án cụ thể của từng địa phương, Bộ Công thương đã có các phương án cụ thể. Theo đó, trong trường hợp phong tỏa, xe vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp vẫn được hoạt động.

Các doanh nghiệp sẽ đăng ký danh sách các xe vận tải cung ứng hàng hóa đến các cơ quan chức năng để cung cấp cho ngành giao thông, công an hỗ trợ cho phép lưu thông đến các điểm bán hàng. Trường hợp giới nghiêm chỉ còn xe của lực lượng vũ trang được hoạt động, Bộ Công thương sẽ đề nghị các lực lượng quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển các mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ để cung cấp cho các địa bàn. Về bố trí các điểm bán hàng, ngoài các điểm bán hàng hiện có của các doanh nghiệp phân phối và các chợ truyền thống, chợ tạm, để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống, Bộ Công thương đã có văn bản yêu cầu các địa phương có phương án bố trí các điểm bán hàng mới (tạm thời, lưu động, dã chiến,…) trên địa bàn từng tỉnh để bảo đảm cung ứng nhu yếu phẩm cho người dân thường xuyên, liên tục, giảm mật độ người mua đến từng điểm bán.