Bảo đảm an toàn bay khi thị trường tăng trưởng nóng

NDO -

NDĐT - Trong bối cảnh thị trường vận tải hành khách và hàng hoá cứ sau 5 năm lại tăng trưởng gần gấp đôi và quy mô đội tàu bay của hãng hàng không nội địa lớn nhất đã chạm ngưỡng 100 chiếc, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn bay liên tục trong 21 năm qua là một điểm sáng của ngành hàng không Việt Nam.

Bảo đảm an toàn bay khi thị trường tăng trưởng nóng

Giảm sự cố tàu bay

Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn bay trong 11 tháng năm 2019, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng Phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, kết quả thực hiện được đảm bảo tốt.

"Đáng lưu ý, năm nay có bước tiến quan trọng là Cục HKVN chính thức đạt được Chứng nhận năng lực giám sát an toàn hàng không quốc gia mức 1 của Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ. Đây là một trong những nền móng quan trọng để duy trì được mức an toàn hàng không bền vững đối với các mục tiêu, kế hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam" - ông Tấn chia sẻ

Theo số liệu về công tác đảm bảo an toàn bay của Cục HKVN, tính riêng 6 tháng đầu năm không để xảy ra tai nạn (sự cố mức A) và sự cố mất an toàn bay nghiêm trọng (mức B) như năm 2018. Số lượng sự cố uy hiếp an toàn cao (mức C) giảm nhiều so với cùng kỳ.

Cụ thể, trong thời gian này, nhà chức trách hàng không đã nhận được 178 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report) của các hãng khai thác.

Theo báo cáo, có tổng cộng 70 sự cố. Trong đó có 3 sự cố mức C, 67 sự cố mức D. So với cùng kỳ năm trước, số lượng sự cố giảm 4,1%; sự cố nhóm C giảm 40%. Tuy nhiên, các sự cố liên quan đến vật ngoại lai (FOD) vẫn còn cao. Trong giai đoạn này, thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng 8,4%, số lượng tàu bay tăng 29 chiếc so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng trưởng cao và liên tục của ngành hàng không đang tạo ra các thách thức đối với khả năng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao (phi công, thợ kỹ thuật, tiếp viên hàng không), gây áp lực không nhỏ lên hạ tầng cảng hàng không cũng như hạ tầng phục vụ công tác bảo dưỡng tàu bay.

Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành hàng không còn gây ra áp lực lớn lên chính nhà chức trách hàng không với đòi hỏi bổ sung nguồn lực với trình độ cao để đáp ứng công tác giám sát an toàn.

Đồng thời, sức ép hoạt động khai thác tàu bay và chính sách, biện pháp đảm bảo sự cân bằng, hài hoà giữa thương mại và đảm bảo an toàn bền vững đôi khi chưa được thực hiện đầy đủ.

Các hãng hàng không sử dụng tỷ lệ phi công nước ngoài cao với nhiều quốc tịch (gần 50 quốc tịch) có nguy cơ gây ra nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và tiêu chuẩn hoá.

Bảo đảm an toàn bay khi thị trường tăng trưởng nóng ảnh 1

Xây dựng văn hoá an toàn

Trước thực trạng này, Cục HKVN yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo an toàn hàng không. Trong đó nhấn mạnh đến nội dung thực hiện văn hóa an toàn (VHAT) trong toàn ngành và lưu ý đến tình hình hiện nay, ý thức tuân thủ quy trình khi làm việc (SOP), quy trình báo cáo, báo cáo tự nguyện và VHAT còn chưa đồng đều giữa các hãng hàng không.

Tại hội thảo Văn hoá an toàn (VHAT) 2019 do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) tổ chức mới đây, Phó GS Philippe Cabon nghiên cứu về yếu tố con người tại Đại học Paris dẫn lại những vụ tai nạn máy bay trong lịch sử ngành hàng không thế giới để nhấn mạnh, con người là điểm yếu của hệ thống; ưu tiên của quản lý an toàn cần chuyển đổi từ lấy lỗi của con người làm trọng tâm đến sử dụng nguồn lực để phân tích những vận hành khai thác hiệu quả để rút ra bài học hữu ích, không để lặp lại những lỗi đó.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VNA cho biết, mặc dù luôn phải cắt giảm chi phí trong bối cảnh cạnh tranh ngày một khốc liệt nhưng hãng hàng không này vẫn dành khoản đầu tư xứng đáng vào việc sử dụng các cơ quan quốc tế có uy tín tham gia đánh giá, tìm kiếm và khắc phục các điểm yếu trong hệ thống quản lý an toàn, đặc biệt là VHAT và ý thức con người.

"Điểm nổi bật trong VHAT của VNA là đề cao tính trung thực, minh bạch, tạo môi trường làm việc mà mọi nhân viên luôn sẵn sàng báo cáo lỗi; không áp dụng các biện pháp kỷ luật khi chủ động báo cáo trung thực về các sự cố, sự việc ảnh hưởng tới an toàn bay. Trên cơ sở đó, VNA đã ban hành Bộ định nghĩa hành vi và hướng dẫn thực hiện văn hoá chính trực trong toàn Tổng Công ty" - vị lãnh đạo VNA chia sẻ.

Theo Phó Tổng Giám đốc VNA Nguyễn Thái Trung, từ đầu năm đến nay, VNA đã tổ chức 10 đợt đào tạo tập trung cho 250 lượt cán bộ về chủ đề an toàn cốt lõi như quản lý rủi ro; phân tích nguyên nhân gốc; chỉ số thực hiện an toàn; hệ thống quản lý rủi ro mệt mỏi…, được Liên minh Hàng không SkyTeam đánh giá là cách tiếp cận VHAT theo hướng đổi mới và sáng tạo.

"Tính theo thang điểm 5 định hình cho an toàn công nghiệp, năm 2019, VHAT của VNA đạt 3,9, tiệm cận mức Chủ động (mức 4) và tiếp tục đặt mục tiêu VHAT đạt mức Tiên tiến (mức 5) vào năm 2025" - ông Nguyễn Thái Trung nói.