Bàn hướng phát triển ngành hàng không bền vững

NDO -

NDĐT - Sáng 11-12, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”, với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia trong nước và quốc tế.

Các chuyên gia tại tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.
Các chuyên gia tại tọa đàm “Hàng không Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Trong hơn 30 năm đổi mới và đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 15,8 %/năm. Điều đáng ghi nhận, mặc dù duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nhưng hàng không Việt Nam không để xảy ra tai nạn gây tổn thất về người.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, mặc dù có những thành tựu nhất định, nhưng lĩnh vực hàng không cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, cả với cơ quan quản lý nhà nước và các hãng vay.

"Làm thế nào để phát triển hàng không Việt Nam nhanh nhưng duy trì sự bền vững trong một thị trường cạnh tranh lành mạnh, đem đến cho người dân dịch vụ an toàn nhất, thuận tiện nhất là điều mà cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ Giao thông vận tải (GTVT) luôn hướng tới. Đây cũng là mục tiêu để Bộ GTVT tổ chức tọa đàm này", Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn cho biết.

Theo GS Nawal Taneja, chuyên gia quốc tế, người được mệnh danh là “bộ não của hàng không thế giới”, ngành hàng không Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng rất cao nhưng đó không phải vấn đề. Tăng trưởng cao là tốt, tốt cho nền kinh tế và cho cả người dân và cần tiếp tục duy trì sự tăng trưởng. Tuy nhiên, thực tế cũng phải xem xét vấn đề an ninh, an toàn, tất cả các hãng phải chú ý vấn đề này. Cạnh tranh là tốt để có dịch vụ tốt hơn, giá vé tốt hơn cho nền kinh tế nhưng phải cân bằng, phải thực hiện trên phạm vi là còn hạn chế của hạ tầng. Nếu hạ tầng, tài chính không phân bổ đầy đủ thì không thành công. Chúng ta hoàn toàn có thể quản lý tốt hơn trong phạm vi hạ tầng hiện nay, tăng chuyến bay mà không cần cải thiện hạ tầng, như Airbus và Boeing đang phát triển máy bay thân hẹp đạt hiệu quả tương tự như máy bay thân rộng.

Hai là, chuyến bay kết nối, có nghĩa là có nhiều thông tin kết nối máy bay mà cần quản lý thông tin cung cấp cho máy bay, đưa ra khả năng quản lý tốt nhất, tạo vòng quay nhanh hơn, chuyển chuyến nhanh hơn thay vì kẹt nghẽn ở sân bay. Ngoài ra, không thể phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Du lịch tốt nhưng nền kinh tế cần được hàng không hỗ trợ để tăng giao thông. Đó không chỉ là đi lại mà là nhu cầu kinh tế cho hàng không phát triển theo hướng tích cực. Tôi muốn khuyến khích những hướng ấy ở những quốc gia mà hàng không tăng trưởng như Việt Nam.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2014-2018, thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa.

Năm 2019, thị trường hàng không Việt Nam đón nhận thêm hãng hàng không mới Bamboo Airways đi vào khai thác từ ngày 16-1-2019. Tốc độ tăng trưởng của thị trường năm 2019 dự báo tiếp tục được duy trì ở mức hai con số với mức độ tăng trưởng 11,8 về hành khách và 3% về hàng hóa so với năm 2018. Tổng vận chuyển hành khách đạt 78,3 triệu khách và vận chuyển hàng hóa đạt hơn 1,25 triệu tấn.

Dự báo, năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.