Bài 2: Giải pháp tăng hiệu quả phòng, chống buôn lậu

NDO -

NDĐT - Năm 2018 được đánh giá là năm vất vả và cam go song cũng đáng ghi nhận của ngành hải quan khi phá thành công nhiều vụ án lớn về ma túy, nhập khẩu trái phép phế liệu, gây ô nhiễm môi trường. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống buôn lậu của ngành hải quan đã có những phương án nhanh, phù hợp với tình hình thực tế.

Bài 2: Giải pháp tăng hiệu quả phòng, chống buôn lậu

Theo Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Nguyễn Phi Hùng, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong năm 2018 tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Hàng hóa vi phạm đa dạng, chủ yếu tập trung vào các nhóm mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, hàng thuế suất cao, hàng nhập khẩu có điều kiện, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, vi phạm về môi trường... Trong năm 2018 nổi lên là hoat động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa đã qua sử dụng..., đặc biệt là hoạt động nhập khẩu, vận chuyển trái phép phế liệu, gây ô nhiễm môi trường, gây ùn ứ ở các cảng biển, khiến cho các ngành, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2018, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo lực lượng kiểm soát Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP, Bộ Tài chính, tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp thiết thực trong hoạt động đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung tham mưu Chính phủ, Bộ Tài chính xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về hải quan, tăng cường hiện đại hóa hải quan, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan nhằm vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa bịt kín những kẽ hở, thiếu sót trong chính sách, pháp luật, đồng thời kiểm soát phòng ngừa hiệu quả hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Tính đến ngày 15-11-2018, Tổng cục Hải quan chủ trì tham mưu Lãnh đạo các cấp sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hơn 10 văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất Bộ cắt giảm 05 TTHC, cắt giảm 15/31 điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa 09 TTHC; Mở rộng kết nối và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đến toàn bộ các Bộ, ngành có liên quan giúp cho doanh nghiệp thuận tiện trong việc đăng ký và thực hiện các thủ tục liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa, đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu, góp phần tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tính đến ngày 15-11-2018, 11 Bộ, ngành đã triển khai 130 thủ tục hành chính trên Cơ chế một cửa quốc gia, với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia hơn 1,66 triệu bộ hồ sơ và hơn 25,3 nghìn doanh nghiệp tham gia; chủ động xây dựng, triển khai quyết liệt hơn 10 kế hoạch, chuyên đề, gần 30 chuyên án đối với phế liệu, ma túy, động vật hoang dã, xăng dầu, điện thoại, hàng hóa quá cảnh có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Qua đó đã triệt phá thành công nhiều đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu.

Điển hình là: Chuyên án VT18 đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng giấy tờ giả để nhập khẩu trái phép tổng cộng trên 22.300 tấn phế liệu, trị giá ước tính khoảng trên 50 tỷ đồng từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Chuyên án TH1468 đấu tranh với hành vi khai báo sai trị giá hàng hóa xuất khẩu (nhôm thỏi); Chuyên án H518 phối hợp với các lực lượng chức năng C04, Bộ đội biên phòng triệt phá thành công 01 đường dây buôn bán ma túy lớn từ biên giới Việt Lào về Việt Nam; thu giữ 179 bánh heroin và bắt giữ bảy đối tượng. Chuyên án HQ-CA-BP 2018 đấu tranh với hành vi vận chuyển trái phép ma túy và hàng cấm tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, qua đó đã phát hiện, bắt giữ: 1.803,7 kg hàng nghi ngà voi, 6.334,2 kg hàng nghi vảy tê tê, 10.164 kg mảnh nhựa nghi phế liệu...; x

Có được kết quả đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung triển khai các hoạt động như: đầu tư, trang bị các phương tiện, trang thiết bị hiện đại như tàu cao tốc, thiết bị máy bay không người lái UAV, hệ thống seal định vị GPS... cho hoạt động giám sát, kiểm soát hải quan; xây dựng Bộ đề đánh giá năng lực trong lĩnh vực kiểm soát hải quan nhằm khảo sát năng lực, bổ trợ các kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng kiểm soát hải quan toàn ngành; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm soát hải quan... Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy hiệu quả đường dây nóng nhằm nắm bắt, giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc trong quy trình thủ tục hải quan của người dân, doanh nghiệp; tăng cường kết nối, tiếp nhận, xử lý các thông tin do người dân, tổ chức, doanh nghiệp phản hồi liên quan đến tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đồng thời tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về hải quan.

Dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng buôn lậu gia tăng hoạt động buôn lậu, do đó Tổng cục Hải quan ban hành và triển khai trong toàn Ngành Kế hoạch số 7075/KH-TCHQ về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong đó tập trung các nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình tại địa bàn, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu; hành lý của hành khách xuất nhập cảnh dịp cuối năm 2018 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; xác định địa bàn, tuyến trọng điểm, dự kiến những hiện tượng, tình huống vi phạm có thể phát sinh để xây dựng phương án đấu tranh, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan; tổ chức đấu tranh quyết liệt đối với mặt hàng cấm, hàng hoá ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu như: vũ khí, ma túy, pháo các loại, động vật hoang dã, xăng dầu, điện thoại di động, hàng may mặc, thực phẩm, dược liệu, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm.... tăng phối hợp các lực lượng chức năng khác như: Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Cảnh sát biển,… và chính quyền địa phương để chia sẻ thông tin, đấu tranh phát hiện, bắt giữ đối tượng và hàng hoá vi phạm, góp phần bình ổn thị trường Tết Nguyên đán.

* Bài 1: Nỗ lực chống buôn lậu của ngành hải quan

Đặc biệt, trong lĩnh vực kiểm soát chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã chủ động tham mưu Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành: Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20-4-2018 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21-1-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 12/2018/NĐ-CP ngày 23-1-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2015/NĐ-CP ngày 2-1-2015 của Chính phủ Quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; trách nhiệm phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thông tư số 728/TT-BTC ngày 15-6-2018 quy định việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; Quyết định số 450/QĐ-TCHQ (Mật) ngày 20-11-2018 hướng dẫn việc thực hiện Thông tư về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Nhờ đó, tính đến ngày 15-11-2018, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.539 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (tăng 11,44% so với cùng kỳ năm 2017); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính: 1.381 tỷ 740 triệu đồng (tăng 91,24% so với cùng kỳ năm 2017). Cơ quan Hải quan đã khởi tố 62 vụ (tăng 40,91% so với cùng kỳ năm 2017). Chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 99 vụ (tăng 59,68% so với cùng kỳ năm 2017). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước: 306 tỷ 037 triệu đồng (giảm 3,92% so với cùng kỳ năm 2017).