Bắc Ninh tập trung tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh từ tháng 3-2019 đã gây ra nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Sau khi dịch bệnh được khống chế, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn, bảo đảm an toàn dịch bệnh, trong đó chú trọng vào các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học...

Nỗ lực tái đàn

Gia đình ông Nguyễn Văn Huệ, xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là một trong số những hộ chăn nuôi có quy mô lớn, luôn duy trì từ 250 đến 300 con lợn thịt. Giữa năm 2019, DTLCP xuất hiện khiến phần lớn số lợn nuôi của gia đình ông mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy, thiệt hại lên tới gần 400 triệu đồng. Cuối năm 2019, sau khi DTLCP được khống chế, gia đình ông Huệ đã thực hiện việc tái đàn. Ông Huệ chia sẻ: “Ban đầu, với bốn con lợn thịt còn sót lại, tôi duy trì số lượng sẵn có vừa nuôi vừa thăm dò tình hình chứ chưa tăng đàn ngay, đề phòng dịch bệnh quay trở lại. Tôi thực hiện khử trùng chuồng trại mỗi ngày một lần và thực hiện nhiều biện pháp tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Sau một tháng, lợn tăng trưởng tốt, khỏe mạnh. Trên địa bàn huyện dịch bệnh đã được kiểm soát, lúc này tôi mới mạnh dạn mua thêm hơn 70 con giống để mở rộng sản xuất. Lứa đầu sau tái đàn gia đình tôi thu về hơn bảy tấn lợn, trừ chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng. Hiện nay, tổng đàn lợn của tôi duy trì khoảng từ 260 đến 270 con, đạt gần 100% so với thời điểm trước khi có dịch”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bắc Ninh, năm 2019, DTLCP đã làm hơn 130 nghìn con lợn của địa phương mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 9.000 tấn, ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2020, mặc dù dịch bệnh còn xuất hiện rải rác tại một số địa phương nhưng tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống hiệu quả cho nên đã giảm được thiệt hại. Sau khi kiểm soát được dịch, một số trang trại, hộ chăn nuôi đã bắt tay vào tái đàn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của thị trường. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đã khôi phục được 100% đàn lợn so với trước khi có dịch. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ chăn nuôi sau dịch đạt khoảng 50%. Tốc độ tái đàn sau dịch của Bắc Ninh khá nhanh, tính đến đầu tháng 7 đạt 272.500 con, tăng 25,3%, sản lượng thịt xuất chuồng hơn 30 nghìn tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Chia sẻ về kinh nghiệm tái đàn sau DTLCP, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau khi có chủ trương tái đàn lợn, chi cục đã hướng dẫn người dân các biện pháp tái đàn. Trong đó, chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, thực hiện việc tái đàn theo hướng an toàn sinh học. Chi cục cũng khuyến cáo các địa phương không tái đàn ồ ạt, khi nhập lợn giống về người chăn nuôi cần biết nguồn gốc rõ ràng, không nhiễm bệnh; đồng thời phải được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, các hộ và chủ cơ sở chăn nuôi thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với bệnh DTLCP thì mới tiếp tục được tái đàn. Để hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua thời điểm khó khăn, tỉnh Bắc Ninh có các chính sách hỗ trợ các hộ nuôi có quy mô từ 30 con trở lên (không quá ba tỷ đồng) và chính sách hỗ trợ tinh lợn cho chăn nuôi nông hộ. Nhờ chính sách này, nhiều hộ có điều kiện để tái sản xuất.

Đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học

Để tăng đàn và tái đàn, quan trọng nhất là phải đủ số lượng và chất lượng con giống. Tuy nhiên, ngoài việc cung cấp nguồn giống sạch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là giải pháp then chốt. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Trình cho biết, chăn nuôi an toàn sinh học là áp dụng tổng hợp, đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn vật nuôi hoàn toàn khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Chăn nuôi an toàn sinh học, trong đó sử dụng các chế phẩm vi sinh là xu thế tất yếu hiện nay, nhất là trong bối cảnh DTLCP vẫn có nguy cơ tái phát. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình trang trại, gia trại thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín, tính toán cân đối mật độ nuôi, kết hợp các biện pháp phòng dịch như phun thuốc sát trùng khử khuẩn, rắc vôi bột, bổ sung dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi… thì vẫn ngăn chặn được dịch bệnh.

Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh tập trung triển khai quyết liệt nhiều biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn giống, sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển sản xuất khi có điều kiện. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn ở Bắc Ninh còn gặp phải một số khó khăn. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát. Đáng lo ngại là vi-rút này hiện chưa có thuốc điều trị, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, chính vì điều này người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn và chỉ tái đàn với số lượng hạn chế. Bên cạnh đó, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nằm trong khu dân cư, mật độ chăn nuôi cao còn phổ biến và chiếm tỷ trọng  từ 60 đến 70%. Nhiều nông hộ gặp khó khăn do không chủ động được nguồn vốn, con giống và điều kiện cơ sở vật chất cho chăn nuôi… Để việc tái đàn đạt hiệu quả, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại những nơi có ổ dịch cũ và nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn không để dịch lây lan ra diện rộng và có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra dịch. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ về quỹ đất, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại bởi DTLCP trong thời gian qua để họ có điều kiện tái sản xuất…