An Giang cam kết đồng hành với nhà đầu tư

NDO -

NDĐT - Nhiều doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh cả về công nghệ và tài chính như Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Phú Cường đã đến An Giang tìm hiểu cơ hội và tiềm năng hợp tác đầu tư; đồng thời triển khai thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ hai, từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình (thứ ba) khảo sát các khu du lịch tại huyện Tri Tôn. (Ảnh: Báo An Giang)
Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân (thứ hai, từ phải sang) và Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình (thứ ba) khảo sát các khu du lịch tại huyện Tri Tôn. (Ảnh: Báo An Giang)

Kết quả này thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh thực hiện cam kết mạnh mẽ của Chính quyền tỉnh An Giang đồng hành với nhà đầu tư.

Những dự án động lực

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Nguyễn Thanh Bình cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang được tổ chức thành công cuối năm 2018 mang ý nghĩa chính trị sâu rộng. Điều này đã góp phần nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo của các cấp chính quyền và sự tham gia của tầng lớp nhân dân trong việc thu hút, mời gọi đầu tư. Đồng thời, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương, của tỉnh trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng trên cơ sở vận dụng các quy định của T.Ư theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

Từ đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm đầu tư, sản xuất kinh doanh tại An Giang. Sự cam kết đó càng có ý nghĩa hơn đối với tỉnh An Giang khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, tiềm lực mạnh cả về công nghệ và tài chính như Tập đoàn FLC, Tập đoàn TH, Tập đoàn T&T, Tập đoàn Phú Cường đã đến An Giang tìm hiểu cơ hội và tiềm năng hợp tác đầu tư. Đồng thời, triển khai thực hiện các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2018, UBND tỉnh An Giang đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 26 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 27.658 tỷ đồng. Các dự án này đều đã và đang triển khai thực hiện với nhiều mức độ hoàn thành khác nhau: bảy dự án với tổng vốn đăng ký là 4.843 tỷ đồng đã hoàn thành một phần hoặc toàn bộ thủ tục đất đai, quy hoạch, xin phép xây dựng và đang tiến hành xây dựng; sáu dự án với tổng vốn đăng ký 5.991 tỷ đồng đã hoàn thành công tác tạo quỹ đất, đang làm thủ tục đất đai và xin phép xây dựng; 12 dự án với tổng vốn đăng ký 12.274 tỷ đồng đang thỏa thuận bồi hoàn để tạo quỹ đất và triển khai các thủ tục khác…

Một số dự án mang tính động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã và đang gấp rút triển khai, như: Nhà máy điện mặt trời Sao Mai Solar PV1 với công suất 210MW tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên của Tập đoàn Sao Mai An Giang đã khánh thành ngày 6-7-2019; Nhà máy điện mặt trời Văn Giáo 1 và 2 tại huyện Tịnh Biên với quy mô 60ha và công suất 50MWP/dự án, đã khánh thành ngày 27-7-2019; dự án Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao quy mô 160ha của Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc; dự án Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú và Khu sản xuất giống cá tra ba cấp chất lượng cao Nam Việt Bình Phú với tổng quy mô 600ha tại huyện Châu Phú của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú; dự án Khu đô thị mới Tây Nam thành phố Long Xuyên quy mô 63,39ha có vốn đăng ký là 1.574 tỷ đồng.

“Kết quả này thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và sự vào cuộc quyết liệt của UBND tỉnh, cam kết mạnh mẽ của Chính quyền tỉnh An Giang đối với nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện hỗ trợ kịp thời, nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh đã thành lập ngay Tổ Công tác thực hiện nhiệm vụ triển khai các dự án đầu tư vào tỉnh An Giang do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng, các Phó Chủ tịch làm Tổ phó, thành viên là Thủ trưởng các Sở, ngành và địa phương có liên quan.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng… đều thành lập Tổ Tư vấn - Hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và các thủ tục khác liên quan.

Do đó, ngoài 26 dự án nêu trên, tiến độ triển khai các bước thủ tục 10 dự án đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của nhà đầu tư với tổng số vốn dự kiến là 104.900 tỷ đồng cũng được đẩy mạnh.

An Giang cam kết đồng hành với nhà đầu tư ảnh 1

An Giang cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng nhà đầu tư. (Ảnh: Báo An Giang)

Tạo đột phá từ ngành kinh tế mũi nhọn

An Giang là tỉnh nông nghiệp và có thế mạnh về thương mại, dịch vụ. Vì vậy, nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế được xác định theo thứ tự ưu tiên “nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng”. Trong đó, nông nghiệp và du lịch là hai “mũi nhọn”, phát triển theo hướng không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và xây dựng nền kinh tế xanh, tạo nền tảng phát triển những lĩnh vực khác. Về nông nghiệp, sẽ thay đổi tư duy phát triển theo diện tích, năng suất, sản lượng sang tư duy về giá trị và hiệu quả kinh tế đạt được trên đơn vị diện tích đất. Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới.

Đối với du lịch, An Giang sẽ xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là điểm đến hấp dẫn, mang nét riêng về văn hóa - con người An Giang; xây dựng hình ảnh ngành du lịch có uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh cao ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Phấn đấu đưa An Giang vào điểm du lịch quốc gia, hình thành thương hiệu du lịch An Giang.

Tỉnh đang huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng và đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du khách. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển bốn “trụ cột” du lịch đặc trưng là: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, du lịch sông nước; tham quan di tích văn hóa lịch sử. Trong hai năm qua, An Giang đã ban hành hàng loạt chính sách, chương trình hành động, kế hoạch về phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu rất đáng ghi nhận, lượng khách du lịch đến với An Giang tăng qua từng năm, doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ cũng tăng tương ứng. Cụ thể, năm 2018, An Giang đón khoảng 8,5 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tương ứng tăng 16% và 29% so cùng kỳ năm 2017.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, để thực hiện các định hướng trên và tạo đột phá từ hai ngành kinh tế mũi nhọn, An Giang tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt Chương trình hành động số 12-CTr/TU ngày 10-2-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020.

Tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân; hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Kỳ vọng vào “tài - trí” và tâm huyết của lãnh đạo

Phóng viên Nhân Dân điện tử có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Thuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, nhà đầu tư chiến lược các dự án trọng điểm tại An Giang và của Việt Nam. Ông Thuấn cho biết, qua hơn hai thập niên hình thành và phát triển, Tập đoàn Sao Mai hiện có 10.300 lao động làm việc trong 17 công ty thành viên trải rộng khắp cả nước. Với tiềm lực luôn được “tích lũy” trong suốt thời gian qua, Sao Mai không ngừng vươn tầm thực hiện nhiều chiến lược sản xuất kinh doanh ở các lĩnh vực: bất động sản, nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu, dịch vụ du lịch, đào tạo và xuất khẩu lao động, sản xuất dầu ăn từ cá, năng lượng tái tạo.

Phóng viên: Sao Mai hiện nay được biết là một tập đoàn lớn, đầu tư đa ngành, ông có thể cho biết lĩnh vực định hướng tập trung đầu tư hiện nay và thời gian tới?

An Giang cam kết đồng hành với nhà đầu tư ảnh 2

Ông Lê Thanh Thuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai. (Ảnh: Sao Mai group)

Ông Lê Thanh Thuấn: Trong sáu tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Sao Mai đạt doanh thu gần 7.200 tỷ đồng, tăng 162%, chủ yếu từ thức ăn cá (chiếm 49%), gấp năm lần cùng kỳ. Đặc biệt, đóng góp vào nguồn thu này phải kể đến doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ngày từ thương mại điện với EVN của hai Nhà máy Sao Mai Solar PV1 tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang và Sao Mai Solar PV2 ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã chính thức phát điện từ giữa năm nay.

Năm 2019, Sao Mai đề ra chỉ tiêu doanh thu khoảng 14.000 tỷ đồng, tăng 18% so năm 2018. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.244 tỷ đồng, tăng gần 4%. Và chỉ mới sáu tháng đầu năm, Tập đoàn Sao Mai đã hoàn thành trên 60% kế hoạch năm và 35% kế hoạch lợi nhuận.

Trong năm nay, chúng tôi xác định lĩnh vực bất động sản, thủy sản, du lịch vẫn là các lĩnh vực chủ chốt, là thế mạnh của vùng nên Tập đoàn sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển. Bên cạnh đó, Sao Mai cũng hướng đến mục tiêu trở thành nhà cung cấp điện mặt trời hàng đầu quốc gia. Tập đoàn Sao Mai đang có nhiều dự án ở một số tỉnh: Bến Tre (50MW), Kiên Giang (250MW), Tây Ninh (700ha, 500MW), Ninh Thuận (100MW), Bình Thuận (150MW), Đắk Lắk (400 MW, diện tích 500 ha).

Phóng viên: Những chính sách hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh An Giang trong thời gian qua khi Sao Mai triển khai các dự án đầu tư, ông kỳ vọng gì vào sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang để gỡ khó cho doanh nghiệp?

Ông Lê Thanh Thuấn: Gần đây, ý chí phát triển kinh tế - xã hội của An Giang tăng rất mạnh và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự đồng bộ giữa các sở, ngành giúp việc cho thường trực lãnh đạo tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, khiến cho sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh giảm hiệu lực. Nhưng Sao Mai tin rằng, với quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thì những trở lực này sẽ được tháo gỡ nhanh chóng. Và khi ấy, tất cả chúng ta sẽ được nhìn thấy những thành quả mà mọi người đã dốc tâm dốc sức đánh đổi. Riêng tôi vẫn luôn lạc quan và đặt niềm tin vào “tài - trí” lãnh đạo của tập thể cán bộ đầy tâm huyết và bản lĩnh, kiên định, quyết liệt để “thanh lọc môi trường đầu tư An Giang” có được thực sự cải thiện mạnh mẽ. Theo cách nghĩ, cách làm này thì chắc chắn kinh tế - xã hội của An Giang sẽ phát triển đi lên, bền vững.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

An Giang cam kết đồng hành với nhà đầu tư ảnh 3

Cánh đồng điện năng lượng mặt trời Sao Mai Solar PV1 công suất 210 MW tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Sao Mai group)