Khuyến khích canh tác lúa giảm khí thải nhà kính

NDO - NDĐT - Ngày 19-8, tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, Trường ĐH Thủy lợi phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng tổ chức “Hội thảo Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước”.

Hội thảo này thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu. Theo các báo cáo của hội thảo, ở Việt Nam, lượng phát thải khí nhà kính (KNK) khu vực nông nghiệp chiếm 43,1% tổng lượng phát thải KNK, trong đó chủ yếu là khu vực trồng lúa. Nguyên nhân cơ bản là do chế độ ngập nước liên tục trên ruộng và bón phân hữu cơ làm tăng phát thải lượng CH4.

Cũng theo các nghiên cứu của hội thảo, để giảm lượng phát thải KNK, nông dân cần rút nước phơi ruộng ở các giai đoạn thích hợp, bón phân vô cơ để hạn chế phát thải CH4. Việc rút nước có tác dụng làm giảm độc tố trong đất, giúp bộ rễ lúa phát triển, cây lúa cứng, không đổ, tiết kiệm lượng nước tưới, giảm chi phí sản xuất.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Anh (ĐH Thủy lợi) cho biết, kỹ thuật tưới tiết kiệm nước là biện pháp quản lý nước mặt ruộng hợp lý để giảm phát thải KNK, tiết kiệm nước. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện tự nhiên các vùng miền, từng loại đất để điều chỉnh cho phù hợp khi áp dụng biện pháp này.

Vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước đã và đang “nóng” lên. Việc đánh giá và ứng dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước có tính khả thi cao, góp phần cải thiện đời sống của người nông dân Việt Nam, sản xuất nông nghiệp tiến tới giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.