<p>Cuộc thi viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn</p>

Chuyện về "Vua ngô"

NDO - Dẫu chẳng có ba sáu tấn vàng, chẳng nhà cao cửa rộng, nhưng hàng triệu nông dân khắp các vùng quê vẫn tôn kính gọi ông là "Vua ngô", bởi cả cuộc đời ông gắn bó với cây ngô, giúp nhà nông sản xuất ra hàng triệu tấn ngô vàng, đem cuộc sống ấm no tới những bản làng. Ông là GS, TSKH Trần Hồng Uy, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Ngô.

Hạt giống ngô lai Made in Việt Nam

Tôi còn nhớ dịp cuối năm 2002, Viện Nghiên cứu Ngô tổ chức cho đoàn nhà báo tham quan mô hình khuyến nông trình diễn giống ngô lai giàu đạm HQ (High Quality) 2000 trên vùng núi đá tai mèo Yên Minh (Hà Giang). Ðây là giống ngô có tiềm năng năng suất cao, prô-tê-in đạt 11%, hàm lượng hai loại a-xít a-min không thay thế là li-zin và trip-tô-phan cao gấp đôi so với ngô thường. Ðối với đồng bào vùng cao, ngô là lương thực chủ yếu, vì thế, tiêu chí "ngon" quan trọng hơn năng suất. Chính vì thế, nhiều giống ngô lai đã không đủ sức vượt qua cổng trời Quản Bạ, đến với đồng bào. Giống HQ 2000 do Viện Nghiên cứu Ngô lai tạo đã khắc phục điểm yếu đó, vừa đạt năng suất cao, vừa đáp ứng về khẩu vị. Bữa ăn trưa với đồng bào, có hai rá mèn mén làm từ giống HQ 2000 và ngô thường để... đối chứng. Chúng tôi thấy rá mèn mén HQ 2000 vàng ruộm, dậy mùi thơm hết veo, trong khi mèn mén bằng ngô thường còn đầy ắp. Ðồng bào hể hả: Ăn mèn mén HQ 2000, đàn ông đi nương chắc bụng, đàn bà nuôi con tốt sữa hơn. Ngô HQ đúng là "hay quá!"...

Các cộng sự, những người nông dân chân lấm, đầu trần, cả cánh nhà báo theo dõi nông nghiệp chúng tôi, tất cả đều gọi GS, TSKH Trần Hồng Uy (trong ảnh) bằng sự kính trọng và trìu mến: thầy Uy. Ông sinh ở huyện Yên Dũng (Bắc Giang), sau khi bảo vệ xuất sắc luận án phó tiến sĩ về tạo giống ngô ở Ru-ma-ni, ông về công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, dưới sự dìu dắt của nhà bác học Lương Ðịnh Của. Khi thành lập Trại nghiên cứu ngô Sông Bôi, ông đã tình nguyện "bỏ phố lên rừng", xây dựng cơ sở nghiên cứu ngô đầu tiên của đất nước. Thời điểm ấy, nhiều chuyên gia Ru-ma-ni, Hung-ga-ri đã sang giúp nước ta nghiên cứu, chọn tạo giống ngô lai nhưng đều thất bại, vì các dòng bố mẹ không phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Hằng năm, nước ta vẫn phải nhập khẩu giống ngô của Ấn Ðộ và một số nước khác.

Năm 1973, tại một cuộc họp giữa Chính phủ với Bộ Nông nghiệp, có sự tham gia của nhiều nhà khoa học lai tạo giống tên tuổi như Lương Ðịnh Của, Bùi Huy Ðáp, Thủ tướng Phạm Văn Ðồng lúc đó đã hỏi các nhà nông học: "Bao giờ thì Việt Nam có giống ngô của mình?", PTS Trần Hồng Uy đứng dậy thưa: "Thưa Thủ tướng, theo kinh nghiệm của các nước, từ khi bắt đầu nghiên cứu đến khi thành giống, phải mất ít nhất 7 năm, còn trong điều kiện nước ta hiện nay, chúng tôi hứa cố gắng sau bốn năm sẽ có giống ngô Việt Nam". Ðúng bốn năm sau, ông và các cộng sự đã lai tạo thành công một loạt giống ngô thuần (thụ phấn tự do), như TH (Tổng hợp) 2A, TH2B, nếp VN2,... năng suất cao gấp đôi so giống ngô truyền thống, được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp công nhận, đưa vào sản xuất đại trà, chấm dứt việc nhập khẩu giống ngô. Lời hứa với Thủ tướng đã thành hiện thực. Sau đó, Viện Nghiên cứu Ngô tiếp tục cho ra đời bộ giống ngô lai chính quy LVN (lai Việt Nam), có nhiều giống được công nhận giống quốc gia, đưa vào sản xuất trên diện rộng. Với phương châm "đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ hiện đại", áp dụng điều kiện trong nước một cách sáng tạo, có hiệu quả, chương trình chọn tạo giống ngô lai Việt Nam đã thành công vang dội. Bộ giống ngô lai LVN đến năm 1999 đã chiếm hơn 50% thị phần toàn quốc; diện tích, năng suất, sản lượng ngô lai Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Năm 2010, cả nước trồng hơn 1 triệu ha ngô, năng suất 4,6 tấn/ha, tổng sản lượng 4,6 triệu tấn. Nông dân được hưởng lợi nhiều nghìn tỷ đồng do được mua hạt giống rẻ và tăng năng suất; riêng tiền hạt giống, mỗi năm nước ta tiết kiệm khoảng 10 triệu USD. Ở Cò Nòi (Sơn La), "thủ phủ" ngô miền Tây Bắc, từ những năm 2000, đã có nhiều nông dân bỏ tiền mua ô-tô chuyên chở ngô về xuôi. Cây ngô đã xóa đói nghèo cho đồng bào, xóa luôn cây thuốc phiện. 

Chương trình ngô lai nước ta đã được Trung tâm cải tạo giống ngô và lúa mỳ quốc tế (CYMMYT), Tổ chức Nông lương LHQ (FAO) đánh giá rất cao, coi là một trong ba chương trình ngô lai mạnh ở châu Á, gồm Trung Quốc, Việt Nam và Thái-lan.

Công trình trồng ngô bầu trên nền đất ướt

Ý tưởng táo bạo trồng ngô đông bằng bầu trên nền đất ướt sau hai vụ lúa do những người nông dân ở HTX Hợp Thịnh (Vĩnh Phúc) nghĩ ra từ năm 1982. Trong những năm thiếu lương thực triền miên, gặt vụ mùa xong, nước tràn đồng, đất bỏ hoang mà không biết đặt cây gì chống đói giáp hạt, họ mơ ước trồng thêm một vụ ngô đông trên nền đất ướt. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng, bởi cây ngô không thể sinh trưởng trong điều kiện đất có bùn nước. Thầy Uy cùng các cộng sự Viện Nghiên cứu Ngô đã bắt tay vào nghiên cứu, kiên trì thử nghiệm, có lúc gặp phải khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua. Ðặt bầu ngô xuống nền đất ướt, sau một tuần, bộ rễ bị thối, thân cây chuyển sang mầu huyết dụ. Ông đã tìm tòi, phát hiện ra yếu tố lân (P2O5) đóng vai trò quan trọng, giúp cây phục hồi mầu xanh, làm cho bộ rễ phát triển bình thường trong điều kiện đất ướt. Việc canh tác, bón phân, làm cỏ cũng hoàn toàn khác. Làm cỏ cho ngô bầu, không sử dụng cuốc rẫy cỏ để tránh đứt rễ ngô, mà bốc bùn dưới rãnh đắp trùm lên cỏ, rắc phân đạm để rễ ngô hồi phục, ăn ngược lên mặt luống, sinh trưởng tương đương ngô trồng trên đất khô. Cứ thế, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết những sáng kiến của nông dân, sau bảy năm ròng rã, thầy Uy cùng các cộng sự mới hoàn chỉnh công nghệ, kỹ thuật trồng ngô bầu. Năm 1989, diện tích ngô đông trồng bầu trên nền đất ướt đã mở ra 127 nghìn ha, đem lại sản lượng mỗi năm 150 - 200 nghìn tấn ngô, góp phần giải quyết nạn thiếu lương thực thời kỳ giáp hạt. Ðầu năm 2000, diện tích ngô đông đã đạt 150 nghìn ha, sản lượng khoảng 400 nghìn tấn. Ước tính, diện tích có thể mở tới 300 nghìn ha, sản lượng một triệu tấn. Kỹ thuật ngô đông trồng bầu cho phép đồng ruộng tăng thêm một vụ, áp dụng sang cho cả đậu tương đông, rồi khoai lang đông, khoai tây đông trồng trên đất ướt. Việc triển khai kỹ thuật ngô đông trồng bầu vào sản xuất với tốc độ rất nhanh, trên quy mô lớn ở tất cả các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền núi phía bắc. Công trình ngô đông có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một vụ ngô hoàn toàn mới, như việc tạo ra vụ lúa xuân. Nói về công trình này, GS, TSKH Trần Hồng Uy khẳng định, đây là công trình tập thể của người Việt Nam, từ sự sáng tạo của người nông dân, đã được giải quyết bằng khoa học kỹ thuật, nâng lên tầm lý luận, đem lại một vụ trồng trọt mới, có hiệu quả kinh tế cao và lâu dài. Kỹ thuật này đã được CYMMYT, FAO phổ biến, tập huấn cho các nước trong vùng, được trồng thử nghiệm ở một số nước.

Suốt cuộc đời cống hiến hết mình cho cây ngô, GS, TSKH Trần Hồng Uy đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế. Năm 2000, ông vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn tiếp tục làm chuyên gia nghiên cứu cao cấp cho Công ty cổ phần Giống cây trồng T.Ư. Ngày ngày, "Vua ngô" lại cùng các lớp học trò miệt mài nghiên cứu, chọn tạo thêm các giống ngô lai đưa vào sản xuất. Phó Tổng giám đốc Công ty Ðỗ Bá Vọng trân trọng nói: Từ ngày mời được thầy về làm việc, vị thế của công ty được nâng lên rõ rệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng về giống cây trồng của bà con nông dân.