Trộn đất đỏ để mạo danh khoai tây Đà Lạt

NDO -

NDĐT – Chiều 21-8, tại chợ nông sản Đà Lạt, Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) phối hợp các đơn vị liên quan, tiến hành kiểm tra một số cơ sở kinh doanh khoai tây và bắt quả tang vụ đấu trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc, mạo danh khoai tây Đà Lạt, sau đó “tung” ra thị trường với giá cao.

Cơ quan chức năng lập biên bản tại khu vực rửa khoai tây trước khi “nhuộm” đất đỏ.
Cơ quan chức năng lập biên bản tại khu vực rửa khoai tây trước khi “nhuộm” đất đỏ.

Kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh số 19, chợ nông sản Đà Lạt, do bà Đoàn Thị Chè làm chủ, cơ quan chức năng TP Đà Lạt phát hiện một nhóm lao động đang đấu trộn đất đỏ vào khoai tây. Theo ghi nhận, khoai tây Trung Quốc được nhập về cơ sở này và tiến hành rửa bằng máy chuyên dụng, sau đó khoai tây được đấu trộn đất đỏ để đưa ra thị trường.

Trộn đất đỏ để mạo danh khoai tây Đà Lạt ảnh 1

Khoai tây Trung Quốc được "nhuộm" đất đỏ.

Qua làm việc, bà Chè trình bày, việc rửa và đấu trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc là do yêu cầu của mối hàng. Sau khi thực hiện xong “quy trình” trên, khoai tây được đóng gói và dán tem (do Ban quản lý chợ Đà Lạt, bộ phận chợ nông sản phát hành). Bà Chè cho biết, số khoai tây Trung Quốc này bà mua lại của chủ cơ sở số 54, chợ nông sản Đà Lạt, với giá 7.000đ/kg, gần gấp đôi giá gốc (3.740đ/kg).

Cơ quan chức năng đã lập biên bản tạm giữ một máy rửa khoai, một máy nổ và một tấn khoai tây Trung Quốc đã đấu trộn đất đỏ để làm rõ hành vi gian lận thương mại.

Trộn đất đỏ để mạo danh khoai tây Đà Lạt ảnh 2

Cơ quan chức năng tạm giữ một tấn khoai tây Trung Quốc đã trộn đất đỏ.

Trước sự xâm nhập của khoai tây xứ khác lên Đà Lạt, sau đó mạo danh thương hiệu khoai tây Đà Lạt để đưa ra thị trường với giá cao, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt đề án thí điểm nhận diện sản phẩm khoai tây Đà Lạt, nhằm bảo vệ quyền lợi nhà sản xuất, người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu và bảo vệ uy tín sản phẩm khoai tây Đà Lạt.

Theo thống kê, diện tích trồng khoai tây hằng năm tại Đà Lạt và vùng phụ cận là hơn 1.200 ha, sản lượng khoảng 40 nghìn tấn. Trong đó, một nửa diện tích canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP.