Tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm

NDO -

Chiều 24-9, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo giới thiệu đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

(Ảnh: VGP)
(Ảnh: VGP)

Theo Tổng Cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, đề án nhằm đổi mới căn bản, tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành. Qua đó tạo thuận lợi đầu tư, thương mại, bảo đảm an ninh, an toàn và lợi ích quốc gia, cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm rất thấp chỉ từ 0-0,03% so với tỷ lệ mẫu đưa ra và vấn đề đáng lo ngại chính là chưa đầy đủ tiêu chuẩn tiêu chuẩn, quy chuẩn.

Điều này "dẫn tới khó khăn cho cơ quan thực thi, ảnh hưởng tới quá trình thông quan hàng hóa của doanh nghiệp", đồng chí Nguyễn Văn Cẩn nói.

Theo mô hình đề án, nhiều thủ tục kiểm tra sẽ được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.

Khi hàng hóa đủ điều kiện sẽ được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành…

Dự kiến, đề án sẽ thực hiện theo hai giai đoạn. Từ năm 2020-2023, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quy chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để làm cơ sở triển khai thực hiện đề án; đánh giá, tổng kết việc thực hiện đề án và đề xuất nhiệm vụ trong giai đoạn II.

Từ năm 2023-2026, rà soát, sửa đổi bổ sung các Luật quản lý chuyên ngành và văn bản có liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo hướng áp dụng các thông lệ quốc tế tốt nhất và thống nhất đầu mối kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là cơ quan hải quan.