Sáu tháng bắt gần 90 nghìn vụ buôn lậu

NDO -

NDĐT – Sáng 31-7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ 389) Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã tổ chức họp báo tổng kết công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 6 tháng đầu năm 2018.

Đồng chí Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 chủ trì buổi Họp báo.
Đồng chí Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng BCĐ 389 chủ trì buổi Họp báo.

Theo báo cáo của BCĐ 389, tính đến hết tháng 6, cả nước đã bắt gần 90 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nộp ngân sách gần 8 nghìn tỷ đồng; khởi tố 887 vụ và 889 bị can.

Theo Báo cáo của BCĐ 389, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chủ yếu tập trung trên tuyến biên giới đường bộ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh giáp biên như: Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và An Giang.

Các mặt hàng vi phạm chủ yếu trên tuyến biên giới đường bộ là ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử gia dụng… Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng vận chuyển buôn bán tiền giả với số lượng lớn; tại tuyến biên giới miền trung, sau khi bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế đối với các khu kinh tế cửa khẩu thì tại Lao Bảo - Quảng Trị, Cầu Treo – Hà Tĩnh tình hình buôn lậu thuốc lá, rượu ngoại, đường cát, mỹ phẩm… diễn ra rất phức tạp; tại tuyến biên giới Tây Nam Bộ, tình trạng buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu diễn biến phức tạp, trọng điểm tại khu vực Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An.

Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế trọng điểm là Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài,Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng nhiều vụ vi phạm bị phát hiện chủ yếu là hàng hóa có giá trị lớn, dễ cất giấu như vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược…

Tại buổi họp báo, đồng chí Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 đề nghị BCĐ 389 các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia và kế hoạch công tác năm 2018 của BCĐ 389 quốc gia; căn cứ trên chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý của mình, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng sửa đổi, bổ sung và đề xuất kiến nghị các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt là sửa đổi, bổ sung các quy định còn sơ hở thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.