Kiểm soát chất lượng ga trên thị trường

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng khí ga ngày càng tăng của người dân, hàng loạt các cửa hàng, đại lý kinh doanh ga mọc lên như “nấm sau mưa”. Bên cạnh những cửa hàng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, hiện có không ít trường hợp vì lợi nhuận mà bất chấp các thủ đoạn để tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ. Điều này không chỉ gây hỗn loạn thị trường ga, làm thất thu thuế mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây thiệt hại về tài sản, tính mạng người dân.

Hoạt động kinh doanh ga tại một cửa hàng trên phố Khâm Thiên (Hà Nội). Ảnh: LÊ HIẾU
Hoạt động kinh doanh ga tại một cửa hàng trên phố Khâm Thiên (Hà Nội). Ảnh: LÊ HIẾU

Tù mù chất lượng

Chỉ cần dạo qua một số tuyến phố tại Hà Nội như Nguyễn Quý Đức, Quan Nhân, Nhân Chính (quận Thanh Xuân), Triều Khúc, Yên Xá (huyện Thanh Trì), Chiến Thắng, Nguyễn Trãi (quận Hà Đông),... sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng kinh doanh ga. Mặc dù mỗi cửa hàng, đại lý đều treo biển hiệu và giới thiệu là đại lý chính hãng của các công ty ga có uy tín, thương hiệu trên thị trường, thế nhưng, trên thực tế các cửa hàng lại bày bán rất nhiều sản phẩm khác nhau như của Petrolimex, Petrovietnam, Shell gas, CD Petrol,... cùng mức giá linh động, từ 270 đến 350 nghìn đồng/bình 12 kg, tùy chủng loại sản phẩm, nhãn hiệu. Lý giải về điều này, một chủ cửa hàng kinh doanh ga trên phố Quan Nhân cho biết, cửa hàng treo biển của Petrolimex nhưng không thể bán riêng sản phẩm của đơn vị này được. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, nhất là bảo đảm lợi nhuận và để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, cửa hàng luôn phải đầu tư, chuẩn bị sẵn các nguồn hàng, sản phẩm để khách lựa chọn, sử dụng. Bên cạnh mức giá cạnh tranh, khách hàng hoàn toàn yên tâm về mặt chất lượng bởi cửa hàng làm ăn uy tín, có hợp đồng với các doanh nghiệp (DN) chuyên sản xuất ga lớn trong nước.

Tuy nhiên, khi đề cập tới chất lượng ga Petrolimex (sản phẩm của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam), chủ cửa hàng này đã nhầm lẫn khi khẳng định: “Đối với loại khác thì không dám nói, chứ dòng sản phẩm này bảo đảm chất lượng tuyệt đối vì đây là sản phẩm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã khẳng định thương hiệu và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận. Nếu không tin, khách có thể đến tận nơi sản xuất kiểm chứng chất lượng”?! Tương tự, một chủ cửa hàng kinh doanh ga trên phố Triều Khúc cho biết thêm: Chất lượng ga của cửa hàng được bảo đảm tuyệt đối, vì cửa hàng có địa chỉ hẳn hoi chứ không như những cửa hàng khác chuyên bán hàng qua tờ rơi quảng cáo, không rõ địa chỉ cho nên chất lượng chẳng biết đâu mà lần. Không ít khách hàng vì ham giá rẻ, mua ga ở nơi khác chuyển đến, chỉ sử dụng được 10 đến 15 ngày đã hết. Khi gọi điện để phản ánh cũng chẳng thấy ai trả lời. Đó còn chưa nói tới, nhiều nơi làm ăn gian dối bằng cách đổ nước tạo cân nặng, mặc dù khi cân đủ trọng lượng bình 12 kg nhưng thực tế chỉ có 8 đến 9 kg ga khiến người tiêu dùng vô tình bị móc túi từ 50 đến 70 nghìn đồng.

Theo lãnh đạo một DN chuyên kinh doanh về khí ga tại Hà Nội cho biết, việc các cửa hàng, đại lý ga tư nhân mọc lên ngày càng nhiều khiến sức cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Thậm chí, nhiều cửa hàng, đại lý sẵn sàng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ giá bán nhằm lôi kéo khách hàng. Ngoài ra, tình trạng một số cửa hàng chiếm dụng vỏ bình, giả mạo nhãn hiệu, sang chiết, bơm nạp ga lậu diễn ra khá phổ biến cho nên rất khó bảo đảm an toàn cháy nổ và bảo vệ quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Do đó, người dân cần phải phân biệt được đâu là ga sạch và ga “bẩn”. Ga sạch khi cháy cho ngọn lửa có nhiệt lượng cao và mầu xanh lam đẹp mắt, ổn định. Còn ga “bẩn” có lẫn tỷ lệ đáng kể chất khó bay hơi hoặc chất không bay hơi. Nếu người sử dụng mua phải ga “bẩn” sẽ rất nguy hại, không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn khiến họ đối diện với việc hít phải khí độc, khí ga “bẩn”, làm tổn hại đến sức khỏe cũng như gây hư hỏng xoong nồi, thiết bị điện tử...

Xử lý triệt để các vi phạm

Thời gian qua, hàng loạt các vụ cháy nổ liên quan tới khí ga gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tài sản và sức khỏe của người dân như vụ cháy ga khi chế biến đồ ăn tại khóm Đông Bình A (phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) khiến hai người bị bỏng 60% và 70% cơ thể, hiện rất khó khăn trong việc điều trị phục hồi. Hay vụ bình ga phát nổ tại một cửa hàng trên đường Mễ Trì Thượng (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) ngày 24-10-2018 khiến người dân khu phố hoảng loạn. Mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng trần nhà sập xuống, tường gạch hư hỏng nặng. Các đồ dùng sinh hoạt cũng như các loại bình ga bị hất, bay tứ tung, lăn lóc,... đã cho thấy số vụ nổ ga đang có xu hướng gia tăng, với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh sự hiểu biết của người dân về ga chưa cao, các phản ứng liên quan chưa được kịp thời còn có nguyên nhân bắt nguồn từ tình trạng sang chiết nạp ga trái phép, thu gom, chiếm dụng bình ga của nhau chưa được ngăn ngừa, xử lý triệt để. Thậm chí, có những đơn vị, cá nhân cố tình cắt tai, mài vỏ bình, thay đổi kết cấu, logo của hãng khác để biến thành bình ga của mình, sau đó nạp ga đưa ra thị trường tiêu thụ gây tiềm ẩn những nguy cơ khó lường.

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ga Việt Nam Trần Trọng Hữu cho biết, các đối tượng vi phạm không phải mất chi phí cho việc đầu tư vào vỏ bình, thực hiện các bước kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữa,... như các DN có uy tín phải đầu tư, thực hiện nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Chính từ vi phạm này, họ đã mua, sang chiết ga lậu, kém chất lượng để đóng bình đưa ra thị trường tiêu thụ hòng kiếm lời bất chính, thậm chí sẵn sàng giảm giá bán gây lũng đoạn thị trường. Tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho các DN kinh doanh ga chân chính, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng, khiến Nhà nước thất thu thuế. Đồng thời là mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ gây bức xúc trong dư luận. “Các hình thức gian lận thương mại nêu trên đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh ga tại thị trường Việt Nam nhưng không hiểu sao đến nay việc xử lý vẫn chưa triệt để; việc xử phạt, xử lý còn thiếu rõ ràng” - ông Hữu nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ga Việt Nam, trên thị trường hiện có hơn 80 thương nhân kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) có nhãn hiệu cung cấp LPG chai, bình; khoảng 200 tổng đại lý kinh doanh LPG và khoảng 13 nghìn cửa hàng bán LPG chai, bình,… Tuy nhiên, việc xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính, vỏ bình bị tịch thu được trả lại cho chính đối tượng vi phạm, bán đấu giá hoặc đem tiêu hủy. Điều này là chưa đủ sức răn đe, khiến tình trạng vi phạm kéo dài suốt thời gian qua. Để thị trường ga hoạt động lành mạnh, các DN phải tự bảo vệ mình thông qua việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng niêm phong, tem chống hàng giả. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng DN. Đặc biệt, cần xây dựng và ban hành thông tư về xử lý trách nhiệm hình sự về một số hành vi vi phạm trong kinh doanh ga; có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế việc tái vi phạm tình trạng sang chiết, nạp trái phép ga...