Hải quan Kiên Giang chủ động đấu tranh chống buôn lậu

Tỉnh Kiên Giang trước kia là điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Với quyết tâm cao của ngành hải quan tỉnh Kiên Giang, tình trạng này đã được xử lý về cơ bản, hoạt động buôn lậu chỉ còn mang tính chất nhỏ lẻ, số lượng và trị giá hàng vi phạm không lớn.

Lực lượng Hải quan và Biên phòng kiểm tra phương tiện tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Lực lượng Hải quan và Biên phòng kiểm tra phương tiện tại Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.

Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hà Tiên Trương Minh An cho biết, hoạt động buôn lậu hiện nay tuy có chiều hướng giảm, bởi các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, nhưng thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi và rất manh động, ngang nhiên chống trả lực lượng hải quan để cướp lại hàng lậu. Trên tuyến biên giới đường bộ, cư dân biên giới từ Cam-pu-chia lợi dụng đường biên giới dài, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối mở để vận chuyển hàng lậu. Trọng điểm chủ yếu nằm ở hai bên cánh gà cửa khẩu, hàng được đối tượng tập kết tại một điểm quy ước, sau đó phân nhỏ hàng chất lên các xe gắn máy, chia nhiều hướng và chạy với tốc độ cao nhằm phân tán lực lượng hải quan. Khi hàng về tới các địa điểm tập trung, sẽ được gom lại, hợp thức hóa bằng hóa đơn nội địa để tiêu thụ. Tại tuyến đường biển, các đối tượng sử dụng thủ đoạn cải hoán phương tiện vận chuyển hàng lậu giống tàu của ngư dân để ngụy trang. Do đó, ở khu neo đậu và chuyển tải (phường Pháo Đài), Chi cục Hải quan thường xuyên duy trì và tăng cường lực lượng giám sát chặt chẽ các phương tiện xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu, ngăn chặn thủy thủ, thuyền viên vận chuyển hàng lậu theo phương tiện lên bờ, hoặc hàng nhập lậu vượt định mức không khai báo.

Bằng các hoạt động kiểm soát chặt chẽ, lực lượng chống buôn lậu hải quan nơi đây đã hạn chế thấp nhất việc thẩm lậu hàng hóa vào trong nước. Từ đầu năm đến ngày 15-5, Chi cục Hải quan đã phạt hành chính tám vụ, phạt vi phạm lĩnh vực thuế một vụ và bắt giữ tám vụ buôn lậu.

Huyện đảo Phú Quốc đang phát triển mạnh về du lịch, nhờ đó, người dân có công ăn việc làm, đời sống ổn định, ý thức chấp hành pháp luật được nâng lên; các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu chủ yếu là các tập đoàn lớn, cho nên thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật. Từ đầu năm đến nay, chưa phát sinh vụ buôn lậu nào qua đường hàng không. Tuy nhiên, Phó Chi cục trưởng Hải quan Phú Quốc Phạm Thanh Hải cho biết, do lượng khách quốc tế và trong nước đến “đảo Ngọc” ngày càng tăng, đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong công tác quản lý hành khách xuất, nhập cảnh và hàng hóa xuất, nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, phòng chống khủng bố, rửa tiền…Chi cục chủ động nắm chắc tình hình, tập trung sưu tra đối tượng tại sân bay Phú Quốc, thị trấn Dương Đông và khu vực cảng biển. Phối hợp tốt các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, quản lý thị trường, thuế và lực lượng chức năng khác bảo đảm công tác kiểm soát hải quan đạt hiệu quả tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.

Tại Cửa khẩu cảng Hòn Chông (xã Bình An, huyện Kiên Lương), Cửa khẩu quốc gia Giang Thành (xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành), lực lượng hải quan cũng tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ thu thập, xử lý thông tin nắm tình hình, công tác tuần tra kiểm soát, sưu tra; chốt chặn, sàng lọc các đối tượng buôn lậu nhằm nắm bắt kịp thời thông tin phục vụ công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, nhất là khu vực biên giới, hai bên cánh gà cửa khẩu.

Cùng với đó các Đội Kiểm soát trực thuộc Cục Hải quan tỉnh thường xuyên theo dõi thu thập thông tin về các doanh nghiệp mới phát sinh làm thủ tục hải quan, thông tin các doanh nghiệp vi phạm đã được phát hiện xử lý, còn nợ thuế, cập nhật kịp thời vào hệ thống dữ liệu của ngành để đánh giá mức độ rủi ro, tuân thủ pháp luật về hải quan của doanh nghiệp. Công tác xây dựng hồ sơ, nghiên cứu nắm tình hình, lập hồ sơ về địa bàn quản lý thuộc phạm vi phụ trách cũng được tăng cường. Trong đó, tập trung các khu vực cảng biển, cảng hàng không dân dụng quốc tế, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất, nhập khẩu, hành lý của hành khách xuất, nhập cảnh trên những chuyến bay trọng điểm, có nguy cơ rủi ro cao, nhất là đấu tranh ngăn chặn tình trạng xuất khẩu khống hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận thương mại để trốn thuế. Kiểm soát chặt trên hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS nhằm phát hiện, đấu tranh chống hàng giả, vận chuyển trái phép các chất ma túy và tiền chất.

Tuy làm tốt công tác chống buôn lậu, không để hình thành các ổ nhóm, đường dây buôn lậu lớn, không có hiện tượng công chức hải quan bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, nhưng Cục trưởng Hải quan tỉnh Kiên Giang Ngô Hoàng Hải cho rằng, rất khó xử lý triệt để nạn buôn lậu nếu như người dân

không có công ăn, việc làm ổn định. Ở các xã biên giới Kiên Giang, phần lớn nhân dân khu vực cửa khẩu là người dân tộc thiểu số, cả năm chỉ có một vụ canh tác, thời gian còn lại nhàn rỗi, cho nên xem việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là “nghề” mưu sinh, nhận thức pháp luật còn hạn chế, khi bị bắt giữ chống trả quyết liệt... Bên cạnh việc thường xuyên cập nhật kiến thức, tuyên truyền phổ biến pháp luật để người dân “không làm ngơ, không tham gia, không tiếp tay” cho buôn lậu, thì các ngành chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác dạy nghề, tạo việc làm để ổn định cuộc sống cho họ.

Những tháng cuối năm 2018, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ diễn biến phức tạp hơn, với các mặt hàng nhập lậu từ Cam-pu-chia. Vì thế, các đơn vị nghiệp vụ của Cục Hải quan tỉnh đã bố trí lực lượng trinh sát thường xuyên bám sát địa bàn, nắm tình hình tại các khu vực cửa khẩu, các tuyến biên giới; sử dụng tốt nguồn tin báo nhằm quản lý chặt chẽ các đối tượng buôn lậu. Bằng biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, kết hợp sử dụng chó nghiệp vụ để kiểm tra, phát hiện nơi cất giấu ma túy tại khu vực giám sát hàng hóa xuất, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh.Theo dõi, đánh giá việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý rủi ro trong việc phân luồng, chuyển luồng của các doanh nghiệp, kịp thời phát hiện các hành vi gian lận trong khai báo về chủng loại, xuất xứ, số lượng, trọng lượng hàng hóa nhằm trốn thuế, gian lận thuế.