Công tác phối hợp giữa Bộ đội biên phòng và BCĐ 389 ngày càng toàn diện, tích cực

NDO -

NDĐT - Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia), công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các bộ, ban, ngành, địa phương và VPTT BCĐ 389 quốc gia thời gian qua ngày càng toàn diện và tích cực, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP cho hay khi trả lời phỏng vấn Nhân Dân điện tử.

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP
Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh - Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP

Phóng viên: Năm năm thành lập BCĐ 389 quốc gia (2014 - 2019) in đậm dấu ấn điều phối hoạt động phối hợp giữa các ngành, lực lượng thành viên, hiệp đồng đấu tranh chống buôn lậu (BL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTM&HG), vận chuyển trái phép hàng hóa (VCTPHH) qua biên giới. Công tác phối hợp của lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được thực hiện như thế nào?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Qua năm năm hoạt động của BCĐ 389 quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo toàn lực lượng thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp chặt chẽ, toàn diện với các bộ, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Văn phòng Thường trực (VPTT) BCĐ 389 quốc gia trong thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và BCĐ 389 quốc gia; phối hợp thống nhất lãnh, đạo chỉ đạo, nghiên cứu tham mưu các chủ trương, giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh; phối hợp nắm tình hình, xử lý thông tin, chia sẻ thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng; phối hợp ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ.

Đặc biệt là phối hợp xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh chuyên án, vụ án chống buôn lậu, gian lận thương mại, tịch thu nhiều loại tang vật số lượng lớn, giá trị cao sung công quỹ nhà nước góp phần ổn định thị trường hàng hóa trong nước.

Điển hình, thực hiện Kế hoạch số 260/KH-VPTT, ngày 17-7-2018 về phối hợp tăng cường chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; phối hợp với VPTT BCĐ 389 quốc gia và các lực lượng chức năng bắt giữ 05 container hàng nhập lậu từ Trung Quốc qua Lạng sơn bằng đường sắt về ga Yên Viên (TP Hà Nội) tháng 11-2018; vụ án bắt 9.124 kg ngà voi tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng ngày 26-3-2019...

Theo đó có thể thấy từ khi thành lập BCĐ 389 quốc gia, công tác phối giữa BĐBP với các bộ, ban, ngành, địa phương và VPTT BCĐ 389 quốc gia thời gian qua đã thu được kết quả toàn diện và tích cực. Đấu tranh chống BL, GLTM&HG, VCTPHH qua biên giới hằng năm có chuyển biến rõ rệt, số vụ bắt giữ, xử lý ngày càng tăng.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, các đơn vị BĐBP đã chủ trì và phối hợp xử lý 9.915 vụ; chủ trì và phối hợp bắt giữ 15.080 đối tượng (tăng 89 vụ và 348 đối tượng so với năm 2017). Cụ thể, chủ trì và phối hợp xử lý/bắt giữ: 1.071 vụ/1.396 đối tượng tội phạm ma túy, thu giữ 1.240 kg ma túy các loại; 1.884 vụ/1.406 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại (tăng 91 vụ/57 đối tượng) trị giá hàng hóa tạm giữ, xử lý khoảng 207 tỉ đồng; khởi tố hình sự 856 vụ/1.004 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 1.405 vụ/1.601 đối tượng với số tiền xử phạt và tịch thu bán sung quỹ Nhà nước đạt hơn 46 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tội phạm mua bán trái phép ma túy tổng hợp ngày càng phức tạp: Quý I - 2019, BĐBP bắt giữ 662,25 kg ma túy các loại, tăng 437 kg so với Quý I-2018 và bằng 53,24% lượng ma túy năm 2018.

Phóng viên: Trong các cuộc họp, giao ban của BCĐ 389 quốc gia, các lực lượng đánh giá, các vụ việc bắt giữ hàng năm còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, nguyên nhân do đâu?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Như chúng ta đã biết, hoạt động BL, GLTM&HG, VCTPHH qua biên giới những năm qua cơ bản đã được kiểm soát, không để xảy ra các điểm nóng. Tuy nhiên, các vụ việc bắt giữ hằng năm của các lực lượng chức năng chưa tương xứng với tình tình thực tế do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng tập trung chủ yếu một số nguyên nhân cơ bản sau.

Thứ nhất, nước ta có đường biên giới dài, địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều đường mòn, lối mở qua lại biên giới, điều kiện thời tiết khắc nghiệt; vùng biển rộng, nhiều cửa khẩu, cảng biển, cửa sông, cửa lạch, đảo, vịnh... rất thuận tiện cho tàu thuyền qua lại thông thương với vùng biển quốc tế; đời sống nhân dân khu vực biên giới còn nghèo nàn, lạc hậu, không có việc làm ổn định, trình độ dân trí thấp, dễ bị lôi kéo...

Thứ hai, các đối tượng thường lợi dụng những bất cập trong cơ chế chính sách về kinh tế, thương mại, hợp đồng kinh doanh, mua bán, vận chuyển hàng hóa trên biển; chính sách biên mậu và một số văn bản quy phạm pháp luật; sự sơ hở trong tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng hoặc lợi dụng việc chuyển tải, vận chuyển xăng dầu nhập kho, gửi kho ngoại quan, hợp thức hoá đơn, chứng từ và vận chuyển trực tiếp đến nơi tiêu thụ; thành lập công ty"ma" để nhập lậu hàng hóa, không đúng hàng khai báo hải quan; sử dụng trang bị phương tiện thông tin liên lạc hiện đại tổ chức theo dõi lực lượng chức năng, khi bị phát hiện bắt giữ thì sẵn sàng có hành động cản trở, chống đối quyết liệt.

Thứ ba, lợi dụng hệ thống phân luồng trong thực hiện thủ tục Hải quan điện tử để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng như: khai báo sai số lượng, chủng loại, xuất xứ, trị giá hàng hóa...; hoặc hủy tờ khai nếu hệ thống tự phân luồng đỏ hoặc ủy thác cho các doanh nghiệp mới, có uy tín làm thủ tục thông quan... Ngoài ra, đối tượng còn lợi dụng hoạt động tạm nhập tái xuất hoặc quá cảnh hàng hóa để buôn lậu với số lượng lớn các mặt hàng có giá trị cao hoặc lợi dụng các tàu chuyên tuyến để nhập lậu hàng hóa...

Cuối cùng, các lực lượng đấu tranh chống buôn lậu còn mỏng, trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ cho tuần tra, kiểm soát biên giới vừa thiếu, vừa lạc hậu; công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên biên giới có nơi, có thời điểm chưa thống nhất cao, tranh công đổ lỗi, né tránh, ngại va chạm...; cá biệt có cán bộ tiêu cực tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu, gian lận thương mại, có lợi ích cục bộ, khép kín trong các lực lượng chức năng.

Năm 2018, riêng lực lượng Bộ đội Biên phòng đã xử lý kỷ luật ba tổ chức Đảng, khoảng 50 cán bộ có hành vi tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ.

Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống BL, GLTM&HG, VCTPHH qua biên giới trong thời gian tới, lực lượng BĐBP đề xuất những giải pháp gì?

Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh: Để nâng cao hiệu quả đấu tranh chống BL, GLTM&HG, VCTPHH qua biên giới trong thời gian tới cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm cao của các bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là các lực lượng chức năng trực tiếp tham gia. Theo đó, BĐBP đề xuất thực hiện các nhóm giải pháp sau.

Tiếp tục tăng cường phối hợp giữa BCĐ 389 quốc gia với các bộ, ban, ngành, địa phương và Bộ Quốc phòng về công tác đấu tranh chống BL, GLTM&HG, VCTPHH qua biên giới; tăng cường phối hợp một cách thực chất, chủ động chia sẻ thông tin về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng; phối hợp ứng dụng khoa học công nghệ, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ... Đặc biệt là phối hợp xây dựng, triển khai trực tiếp thực hiện các kế hoạch nghiệp vụ, xác lập đấu tranh chuyên án, vụ án triệt xóa các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại lớn, xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, BCĐ 389 quốc gia cần phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương với vai trò trung tâm để nghiên cứu, tham mưu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật; chỉ đạo nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để, nghiêm minh các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, không để xảy ra các điểm nóng tập kết, cất giấu hàng lậu, vận chuyển hàng lậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế…

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân về hậu quả, tác hại của việc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Đồng thời tham mưu đề xuất phát triển cơ cấu nền kinh tế hiện đại phù hợp với điều kiện, bối cảnh của đất nước; quan tâm ưu tiên triển khai các dự án phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và trình độ quản lý, sản xuất, kinh doanh nhằm tạo công ăn, việc làm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới, vùng biển. Từ đó tăng cường vận động nhân dân không tham gia tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, phát động phong trào toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội khu vực biên biên giới, tích cực tham gia đấu tranh, tố giác các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hơn nữa, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, tinh, gọn, hiện đại và hoạt động hiệu quả; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ; tăng cường kỷ luật, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, các hành vi bao che, tiếp tay cho buôn lậu…

Đối với Bộ đội Biên phòng cần chỉ đạo triển khai thực hiện ngay Đề án tổ chức lực lượng BĐBP giai đoạn 2017 - 2021 và các năm tiếp theo. Ưu tiên xây dựng lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm hiện đại, tinh gọn, trong sạch đáp ứng nhiệm vụ đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm trong tình hình mới.

Xin trân trọng cám ơn ông!