Nhìn lại năm 2019

Chống gian lận xuất xứ trước xu thế bảo hộ thương mại

Việt Nam đã tham gia sâu vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc bảo vệ quyền và lợi ích đất nước trong giao thương quốc tế, bảo vệ các doanh nghiệp chân chính trước nạn gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp càng trở nên cấp thiết khi xu thế bảo hộ gia tăng và bối cảnh xung đột thương mại hiện nay giữa một số nước lớn vẫn diễn biến căng thẳng.

Gần 1.300 đồng hồ đeo tay giả mạo các nhãn hiệu bị thu giữ tại Đà Nẵng.
Gần 1.300 đồng hồ đeo tay giả mạo các nhãn hiệu bị thu giữ tại Đà Nẵng.

Nhiều mặt hàng bị điều tra chống lẩn tránh thuế

Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2019, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 472,35 tỷ USD, tăng 7,6% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 241,65 tỷ USD (tăng 7,9%) và nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD (tăng 6,6%), cán cân thương mại thặng dư gần 10,9 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, tính bền vững của kết quả này đang bị thách thức bởi các hành vi gian lận xuất xứ (GLXX), chuyển tải bất hợp pháp (CTBHP) diễn biến phức tạp trong bối cảnh gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại và tăng cường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) giữa các nền kinh tế lớn.

Năm 2019, kinh tế trong nước "nóng" lên với nhiều vụ việc GLXX, nhiều mặt hàng, nguyên liệu phục vụ sản xuất từ các nước bị áp thuế cao đã tìm đường vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang các nước khác nhằm hưởng thuế suất ưu đãi. Hiện nay, cùng với sự tăng trưởng mạnh các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ, EU, thì thị trường Việt Nam cũng đồng thời tăng mạnh nhập khẩu các nhóm hàng tương tự từ Trung Quốc, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm từ kim loại thường; dây điện và dây cáp điện; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh. Trong đó, nhiều nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao và thực tế một số mặt hàng đang bị Mỹ, EU và Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng các biện pháp PVTM, nhất là áp dụng mức thuế suất nhập khẩu rất cao. Thí dụ, Bộ Thương mại Mỹ áp thuế tới 456,23% đối với thép cuộn cán nguội, thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng của Việt Nam như: sắt, thép, xe đạp điện, pin năng lượng mặt trời, gỗ ván ép… có kim ngạch xuất khẩu gia tăng đột biến từ 20% đến 50% cũng đang bị các nước nhập khẩu điều tra chống lẩn tránh thuế.

Doanh nghiệp FDI cũng giả mạo xuất xứ

Năm 2019, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục vụ GLXX, CTBHP có quy mô lớn, qua đó nhận diện một số phương thức, thủ đoạn cơ bản của đối tượng. Ðối với nhóm hành vi giả mạo, GLXX Việt Nam để tiêu thụ trong nước, thủ đoạn thường là: hàng hóa khi nhập khẩu về Việt Nam đã ghi sẵn dòng chữ "made in Vietnam" hoặc trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phiếu bảo hành đều ghi bằng tiếng Việt các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hoặc ghi xuất xứ nước ngoài trên bao bì, sản phẩm nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ trong nước, doanh nghiệp bóc nhãn, thay mới nhãn ghi "made in Vietnam" hoặc "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam". Ðối tượng còn thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số cụm linh kiện, phụ tùng hoặc bộ phận tháo rời để lắp ráp hoặc bán cho công ty khác gia công, lắp ráp công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, nhưng vẫn ghi "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "xuất xứ Việt Nam" để tiêu thụ tại thị trường trong nước nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Có công ty không ghi xuất xứ trên nhãn gốc của hàng nhập khẩu, rồi trước khi lưu thông thì bổ sung nhãn phụ "made in Vietnam".

Ðối với nhóm hành vi giả mạo, GLXX Việt Nam, CTBHP để xuất khẩu: nhiều doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp FDI nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu, linh kiện, cụm linh kiện để sản xuất, gia công, lắp ráp nhưng hàng hóa không qua công đoạn gia công, sản xuất, lắp ráp hoặc chỉ trải qua công đoạn đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NÐ-CP, Thông tư số 05/2018/TT-BTC nhưng vẫn khai xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu. Cơ quan chức năng cũng phát hiện, hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ nước ngoài, khi đưa về nhà kho, xưởng sản xuất hoặc trong quá trình sang mạn, thay đổi phương tiện vận tải đã được thay đổi nhãn thành hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc hợp thức hóa hồ sơ để xin cấp Giấy chứng nhận xuất xứ nhằm lẩn tránh biện pháp PVTM khi xuất khẩu sang các nước khác… Ðáng chú ý, Tổng cục Hải quan đang phối hợp các bộ, ngành liên quan, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) để giám sát chặt chẽ lô hàng 1,8 triệu tấn nhôm (trị giá khoảng 4,3 tỷ USD) của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu, địa chỉ tại Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - Conac, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), vì nghi vấn giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Tăng cường quản lý về xuất xứ hàng hóa

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 824/QÐ-TTg, ngày 4-7-2019 phê duyệt đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và GLXX", nhấn mạnh nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đặt ra, đối với từng bộ, ngành liên quan. Các chủ trương của Chính phủ mang tính tổng thể, toàn diện, nhưng để triển khai cụ thể bảo đảm hiệu quả cao là không dễ, nếu mỗi bộ, ngành chưa xác định rõ được trọng tâm, trọng điểm, sự phối hợp liên ngành và sửa đổi nội dung bất cập của những văn bản quản lý hiện hành.

Trong đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần chủ động theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa từ các nước về Việt Nam và hàng xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường lớn có biểu hiện lợi dụng xuất xứ Việt Nam để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đưa ra biện pháp ứng phó kịp thời. Rà soát các giao dịch, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu lượng hàng hóa tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất nhằm thu thập, củng cố thông tin, phân tích quyết định kiểm tra, xác minh, điều tra làm rõ dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, xác định xuất xứ, siết chặt quản lý đối với một số nhóm hàng có kim ngạch tăng đột biến có nguy cơ GLXX, CTBHP và cung cấp các kết quả này cho Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để phối hợp ngăn chặn theo từng lô hàng. Ngành hải quan cũng cần chủ động trao đổi với hải quan các nước, Ðại sứ quán Việt Nam tại các nước… để kịp thời thu thập thông tin liên quan số liệu thống kê mặt hàng, kim ngạch hàng Việt Nam xuất khẩu vào những nước này và ngược lại, danh sách mặt hàng áp thuế chống bán phá giá của các nước và dự báo khả năng hàng xuất khẩu của Việt Nam bị các nước áp dụng biện pháp PVTM, từ đó có biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Bộ Công thương khẩn trương rà soát sửa đổi các văn bản về xuất xứ hàng hóa, như: ban hành thông tư quy định cụ thể về tiêu chí xuất xứ đối với hàng hóa lưu thông trong nước; sửa đổi Nghị định số 185/2013/NÐ-CP, ngày 15-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính liên quan hành vi GLXX, giả mạo nhãn hàng hóa theo hướng tăng mức xử phạt nhằm tạo sức răn đe. VCCI cần siết chặt hơn nữa công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O), thực hiện kiểm tra thực tế quy trình sản xuất trước khi cấp C/O hoặc dừng cấp C/O đối với các doanh nghiệp có hành vi GLXX; chấm dứt việc cấp các giấy tờ không phù hợp thông lệ quốc tế, pháp luật không cho phép, như: giấy chứng nhận về quy trình sản xuất, nguồn nguyên liệu, công đoạn sản xuất để tránh doanh nghiệp lợi dụng đánh lừa người tiêu dùng. Ðối với Bộ Công an, bên cạnh phối hợp tốt với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, cần chỉ đạo công an các địa phương tăng cường phát hiện các hành vi GLXX, giám sát các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài trên địa bàn, qua đó điều tra, khởi tố kịp thời các vụ việc vi phạm.