Xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi vào trường học

NDO -

NDĐT- Các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự trăn trở, bức xúc trước tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi và diễn biến trong cơ sở giáo dục - một môi trường vốn được coi là an toàn, lành mạnh để các em rèn luyện và hoàn thiện nhân cách.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Quốc hội thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Đại biểu Quách Thế Tản (Hoà Bình) bày tỏ lo ngại là cùng với các hành vi xâm hại trẻ em thì điều đáng nói nhất hiện nay là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em. “Tình trạng này đang là một vấn nạn nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội, không chỉ xảy ra ở một địa phương mà đã và đang xảy ra ở 63/63 tỉnh, thành trong cả nước” – đại biểu phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tại Kỳ họp lần thứ chín, Quốc hội khoá XIV ngày 27-5.

Đáng nói hơn, theo đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh), trong những năm gần đây tình trạng trẻ em bị xâm hại có những diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, có vụ xâm hại trẻ em diễn ra ở nhiều nơi, thậm chí ở cả gia đình, tổ ấm của các em, ở cả trường học, nơi được coi là an toàn đối với các em.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) cũng có chung nhận định, đó là “tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đã len lỏi và diễn biến trong cơ sở giáo dục”.

Đi sâu vào vấn đề công tác phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục, đại biểu Châu Quỳnh Dao nói: “Đây là một môi trường chúng ta cho rằng là một môi trường mô phạm, an toàn, lành mạnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho con trẻ của chúng ta được rèn luyện và hoàn thiện nhân cách. Thế nhưng từ câu chuyện chín em nam bị xâm hại trong một thời gian dài mà người xâm hại chính là cán bộ quản lý trong ngành giáo dục, báo chí đã phản ánh, đã phân tích rất nhiều, từ những vụ việc như bạo lực học đường, xâm hại tình dục thì tất cả những vấn đề này với những con sâu làm rầu nồi canh dẫn đến những hệ lụy mà chúng ta không lường hết được”.

Theo đại biểu, điều lo lắng là hệ lụy từ những sự việc như vậy sẽ khiến học sinh, phụ huynh và cả xã hội mất niềm tin vào nhân cách của người thầy và “lúc đó còn gì để gửi gắm những kỳ vọng trong việc giáo dục, đào tạo con em mình và giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu”.

Trong phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các vị đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ rõ tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, không chỉ ở vùng khó khăn mà cả ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, không chỉ người lạ mà ngay cả những người thân thích, ruột thịt của trẻ em, những người có bổn phận, nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, giáo dục các em như: Cha mẹ, thầy cô giáo, cán bộ cơ sở bảo trợ trẻ em… Các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp hơn, như: Xâm hại tình dục, bạo lực đối với trẻ em, mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lạm dụng trẻ em vào một số hoạt động trái pháp luật… Các hành vi xâm hại trẻ em để lại hậu quả rất nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài cho trẻ em cả về thể chất và tinh thần, cũng như cho gia đình và xã hội.

Trong báo cáo của Đoàn giám sát cũng đã có nhận định nhiều hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của trẻ em như tư vấn tâm lý học đường, duy trì hòm thư “Điều em muốn nói”, các hoạt động khích lệ các em phản ánh những hành vi bạo lực, xâm hại trong nhà trường chưa được tổ chức nền nếp, còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả, đại biểu cho biết. Nhấn mạnh rằng, những vụ án, những vụ xâm hại, những vụ bạo lực học đường xảy ra khi bị phanh phui đã diễn biến trong một thời gian rất dài. Các em chịu bao khổ sở, sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi, trầm cảm, chịu rất nhiều tổn thương, thậm chí có em đã tự tử, đại biểu của Kiên Giang cho rằng cần chú trọng giải pháp thực hiện tốt và bài bản công tác tư vấn tâm lý học đường.

“Nếu như đặt trong bối cảnh hiện tại khi mà trẻ em thanh, thiếu niên của chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống, lý tưởng, những áp lực trong thi cử, áp lực trong chọn trường, chọn ngành và chính áp lực mà do cha mẹ của các em gánh những áp lực ngoài xã hội rồi đè nặng lên con em mình, những vấn đề này nếu như chúng ta thực hiện một cách bài bản tốt về công tác tư vấn tâm lý học đường thì chúng ta phải kịp thời phát hiện, phòng ngừa và can thiệp cho trẻ em, cho thanh thiếu niên trong vấn đề nhận thức, về cảm xúc, về tư tưởng, về hành vi để tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra” – đại biểu nói.

Dẫn thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng khảo sát ở hai địa phương là Hà Nội và Hải Dương, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho biết: Kết quả khảo sát mang lại là gần 80% học sinh cho ý kiến là các em có những vấn đề thầm kín, có những vấn đề bức xúc cần bày tỏ và cần có một không gian riêng tư trong nhà trường để nói ra để giải quyết những vấn đề thầm kín của các em. Cho nên công tác tư vấn tâm lý học đường là một nhu cầu thiết yếu trong xã hội. Tuy nhiên, khó khăn ngay ở chính đội ngũ làm công tác này, do không có cán bộ chuyên trách, chỉ là kiêm nhiệm, cho nên sẽ có khiếm khuyết, về trình độ, kỹ năng, phương pháp. “Điều này đã gây trở ngại rất lớn như báo cáo đánh giá là thực hiện chưa hiệu quả và vẫn còn hình thức” – đại biểu chỉ ra.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng ý cho việc ban hành chức danh, mã ngạch giáo viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường, coi đây là một động thái, một động lực rất mạnh mẽ để giúp chúng ta có được một đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý học đường. Không chỉ là tư vấn tâm lý để phòng, chống vấn đề xâm hại bạo lực học đường, mà còn là tư vấn định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho phù hợp xu thế mới.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em cũng nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ có giải pháp khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong Báo cáo của Đoàn giám sát, giảm số vụ trẻ em bị xâm hại và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm 2020 ban hành Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong môi trường giáo dục. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh; chú trọng đối với nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ em có nguy cơ bị xâm hại; trang bị kỹ năng, phương pháp xử lý tình huống cho giáo viên trong phòng, chống xâm hại trẻ em; xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả và nghiên cứu lồng ghép nội dung này trong chương trình học tin học chính khoá.