Vai trò của đại học trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư

NDO -

NDĐT - Sáng 14-12, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Vai trò của đại học trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Hội thảo “Vai trò của đại học trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Hội thảo “Vai trò của đại học trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Hội thảo thu hút 100 nhà khoa học, nhà quản lý cấp cao tham luận sâu về chủ trương, chính sách nhằm chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời phát huy tối đa nguồn lực trong các trường đại học nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển khoa học công nghệ tầm nhìn đến năm 2030.

Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, để Việt Nam đạt mục tiêu: duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc ba nước dẫn đầu ASEAN; xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân hơn 7%/năm; có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, nam và miền trung… mà Nghị quyết đề ra, cốt lõi của các trường đại học vẫn là đào tạo những thế hệ tri thức có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại; nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong các trường đại học về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm; thúc đẩy nghiên cứu phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trên tất cả các ngành, lĩnh vực và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số thật sự minh bạch.

Nói về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết: “Sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đến chính quyền là việc người dân tham gia nhiều hơn vào công việc chính quyền, chính quyền nghe và thấy tiếng nói dân nhiều hơn thông qua mạng xã hội, camera, giám sát môi trường và có nhiều số liệu để ra quyết sách; Đảng nhìn thấy ủy ban, tỉnh nhìn thấy huyện; với doanh nghiệp, họ sẽ kinh doanh qua mạng nhiều hơn, mô hình kinh doanh mới phá hủy mô hình cũ, thí dụ như taxi công nghệ, học qua mạng; với nhân dân, họ sẽ đọc mạng nhiều hơn báo, mất thời gian cho smartphone nhiều hơn, mất dần sự riêng tư”.

Theo các đại biểu, trước tình hình này, việc đào tạo nhân lực trong các trường đại học phải hướng đến đào tạo một số hạt nhân, đào tạo lại cán bộ công chức, áp dụng 4.0 vào quản lý giáo dục và đào tạo phổ thông; tạo ra việc làm 4.0 để nhân lực 4.0 nơi khác chuyển về, qua đó đào tạo cho người nơi khác…

Được xem là doanh nghiệp sớm ứng dụng công nghệ số hóa và công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT ThACO Group Trần Bá Dương chia sẻ: “Là nhà sản xuất ô-tô, trước hết chúng tôi kết nối các xưởng trong cùng nhà máy lại, sau đó kết nối các nhà máy sản xuất linh kiện với nhà máy lắp ráp và hiện đang cùng các đại học lớn thực hiện dự án mô hình nhà máy thông minh. Theo tôi, nhằm nâng cao sức cạnh tranh như Nghị quyết 52-NQ/TW, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy các trường đại học hợp tác doanh nghiệp để nghiên cứu ứng dụng đổi mới sáng tạo vào công nghệ cơ bản như: tự động hóa và robot tự hành, internet vạn vật, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence-AI), công nghệ in 3D, mô phỏng (simulation)”.

Theo Ban Khoa học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, trường có khoảng 6.000 cán bộ, viên chức gồm hơn 3.000 cán bộ giảng dạy, gần 900 viên chức khoa học và công nghệ, hơn 2.000 viên chức hành chính. Trong đó có khoảng 3.300 cán bộ có trình độ sau đại học (hơn 400 giáo sư, phó giáo sư, hơn 1.300 tiến sĩ, hơn 2.300 thạc sĩ). Quy mô đào tạo đại học chính quy khoảng 68 nghìn sinh viên. Quy mô đào tạo sau đại học gần 10 nghìn học viên. Hằng năm, đại học này cung cấp cho xã hội hơn 12 nghìn kỹ sư, cử nhân chất lượng cao, 1.500 thạc sĩ và gần 100 tiến sĩ thuộc hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động xã hội, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Giai đoạn 2016-2018, trung bình hằng năm, nguồn thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh hơn 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% tổng nguồn thu của toàn hệ thống.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học, quản lý cho rằng, chúng ta cần hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và không gian mạng.

Song song đó, hoàn thiện mô hình và cơ chế, chính sách để tạo sự phát triển đột phá đối với các khu công nghệ cao, phát triển các khu đô thị sáng tạo đạt đẳng cấp quốc tế. Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (thông qua các đại học), trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.