Ưu tiên phát triển mô hình phòng học thông minh

Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh tập trung đầu tư trang thiết bị phòng học thông minh cho các trường THCS và THPT trên địa bàn. Kết quả bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Mô hình lớp học thông minh tại Trường THCS Vệ An (TP Bắc Ninh).
Mô hình lớp học thông minh tại Trường THCS Vệ An (TP Bắc Ninh).

Đến thăm Trường THCS Vệ An (TP Bắc Ninh) vào giờ học môn tiếng Anh, cả cô và trò đều hào hứng, sôi nổi. Từ năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tỉnh Bắc Ninh đầu tư chín phòng học thông minh với nhiều thiết bị cơ bản như bảng tương tác, máy ca-mê-ra, mạng in-tơ-nét, micro, loa đài… Giáo viên và học sinh có thể dễ dàng tiếp cận bài học và cách giảng dạy hiện đại. Cô Nghiêm Thị Quyên, giáo viên môn tiếng Anh, Trường THCS Vệ An cho biết, thiết bị thông minh hiệu quả với tất cả các môn, nhất là môn tiếng Anh bởi đây là môn học đặc thù cần phát triển bốn kỹ năng: Nghe, nói đọc, viết. Trước đây, giáo viên thường soạn giáo án bằng cách viết tay, học sinh tiếp cận thông tin trên sách vở, nhưng đến nay tất cả học sinh của nhà trường được tiếp cận với mô hình phòng học thông minh. Các lớp học được trang bị thiết bị thông minh đầy đủ cho nên việc giảng dạy trở nên thuận lợi hơn. Bài giảng của giáo viên đa dạng, phong phú và chất lượng, tăng khả năng tương tác giữa thầy và trò. Học sinh tập trung chú ý và hào hứng hơn trong mỗi giờ giảng, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm cho học sinh.

Không chỉ hỗ trợ cho giáo viên, mô hình lớp học thông minh cũng hỗ trợ học sinh trong quá trình tìm hiểu và tiếp thu kiến thức. Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh lớp 11, Trường THPT Hàn Thuyên (TP Bắc Ninh) cho biết, trong mỗi giờ học, em và các bạn dễ dàng tương tác với thầy cô thông qua hình ảnh trực quan, sinh động. Không chỉ trong giờ học tiếng Anh hay các môn tự nhiên, những giờ học các môn xã hội như Văn học, Lịch sử, Ðịa lý… cũng trở nên sinh động hơn. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Hàn Thuyên cho biết, khi tiếp cận với mô hình lớp học thông minh, trong mỗi bài học, học sinh được đặt trước những tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết. Bên cạnh đó, cô và trò chủ động sáng tạo, tìm những hình ảnh, vi-đê-ô minh họa thiết thực để thuyết trình, giới thiệu bài giảng. Ðến nay, mỗi tiết học môn Ngữ văn, học sinh được tiếp thu kiến thức qua hình ảnh, vi-đê-ô liên quan đến tác phẩm, giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ tác phẩm hơn. “Thay vì chỉ giảng dạy lý thuyết thông thường như trong sách giáo khoa, giáo viên sẽ chia nhóm để học sinh thu thập tài liệu, hình ảnh, vi-đê-ô liên quan đến tác giả, tác phẩm để trình chiếu trên lớp. Việc làm này tuy mất nhiều thời gian nhưng học sinh được trải nghiệm, từ đó giúp các em tiếp thu bài nhanh và chủ động hơn”, cô Hoa nhấn mạnh.

Không chỉ áp dụng tại các trường ở thành phố, mô hình lớp học thông minh được triển khai và áp dụng hiệu quả khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Cô Phạm Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Tài (huyện Lương Tài) cho biết, từ khi nhà trường đưa thiết bị thông minh vào trong các tiết học, học sinh tích cực tham gia, hợp tác và tương tác với thầy cô. Ðể bảo quản trang thiết bị thông minh, nhà trường yêu cầu các thầy giáo, cô giáo xây dựng kế hoạch cá nhân để sử dụng thiết bị. Học sinh sẽ được đánh giá mức độ sử dụng các thiết bị thông minh trong mỗi bài giảng. Ðây là một trong những tiêu chí để nhà trường bình xét các danh hiệu của giáo viên hằng năm.

Theo Sở GD và ÐT tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, toàn bộ phòng học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư thiết bị thông minh, phục vụ việc dạy và học. Ðây là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, các thiết bị thông minh cũng phát sinh một số lỗi như: Cảm ứng bảng và bút thông minh; chất lượng hệ thống loa; không có thiết bị tương thích khi bị hỏng; một số giáo viên lớn tuổi còn gặp hạn chế trong quá trình sử dụng… “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, bảo trì định kỳ, bảo đảm chất lượng các thiết bị, không ảnh hưởng đến việc dạy và học. Ngoài ra, Sở sẽ tăng cường tập huấn cho giáo viên và học sinh sử dụng thành thạo các trang thiết bị; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh đầu tư, mua sắm các thiết bị phòng thư viện điện tử, phòng học thông minh. Năm 2020, tỉnh Bắc Ninh đề ra mục tiêu toàn bộ các lớp tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh đều được trang bị phòng học thông minh” - Giám đốc Sở GD và ÐT tỉnh Bắc Ninh Ngô Văn Liên khẳng định.