Ứng phó dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến hệ thống các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã có văn bản kiến nghị một số biện pháp, chính sách để các địa phương, cơ sở giáo dục bảo đảm đủ nguồn lực ứng phó dịch bệnh.

Phun thuốc khử khuẩn phòng dịch Covid-19 tại Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ
Phun thuốc khử khuẩn phòng dịch Covid-19 tại Trường Marie Curie (Hà Nội). Ảnh: MINH HÀ

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã cho học sinh nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh, chỉ một số địa phương cho học sinh cấp THPT đi học trở lại. Tại một số địa phương như: Vĩnh Phúc, Cao Bằng, học sinh cấp THPT đã đi học trở lại từ ngày 2-3. Vì vậy, công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh trường, lớp học cần được duy trì thường xuyên. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) Nguyễn Ngọc Trâm, trước khi vào học, học sinh được đo thân nhiệt. Hệ thống loa phát thanh của trường liên tục phát đi thông báo về những điều cần biết về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Việc phát thông báo này, nhà trường tin tưởng sẽ đem lại hiệu quả khi được lặp đi lặp lại mỗi ngày. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Phạm Khương Duy cho biết, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều yêu cầu, hướng dẫn chặt chẽ đối với các nhà trường, phun hóa chất khử trùng kể cả trong thời gian học sinh nghỉ học; vệ sinh toàn bộ trường lớp, môi trường chung quanh, các phòng chức năng, các thiết bị dạy học và đồ dùng học tập của học sinh. Kết thúc mỗi buổi học, duy trì thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường lớp theo đúng quy định. Đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đều được trang bị đủ các công cụ trong phòng dịch như: Máy đo thân nhiệt (mỗi trường ít nhất ba chiếc, có trường chuẩn bị năm đến bảy chiếc), dung dịch rửa tay khô, cồn sát khuẩn và khẩu trang cho học sinh. Nhằm chuẩn bị tốt nhất khi học sinh trở lại trường, tất cả các cơ sở giáo dục đã tổ chức phun khử khuẩn từ ba đến bốn lần ở các lớp học, khuôn viên trường; tổ chức lau dọn bàn, ghế, đồ dùng học tập.

Tại Hà Nội, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng được ngành giáo dục vào cuộc và triển khai đồng bộ, tích cực. Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, trường thường xuyên có thông báo gửi học sinh, phụ huynh về những lưu ý khi học sinh quay trở lại trường; đã và đang thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế và chỉ đạo của ngành giáo dục trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Theo Trưởng phòng GD và ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) Lê Hồng Vũ, điều lo ngại trước khi học sinh quay trở lại trường, nhất là với học sinh ở độ tuổi mầm non, tiểu học là các em ăn, học bán trú tập trung, cho nên công tác phòng, chống dịch đã và đang được thực hiện nghiêm túc. Các trường đã triển khai kế hoạch tổng vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học và trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, bên cạnh công tác vệ sinh môi trường, khử khuẩn trường, lớp học, khử khuẩn phương tiện đưa đón học sinh, các trường cần tăng cường hướng dẫn, nhắc nhở học sinh rửa tay với nước sạch và xà-phòng trước khi vào lớp, sau khi ăn, đi vệ sinh; bảo đảm đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng. Hằng ngày, trước mỗi tiết học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không (đối với trẻ mầm non thì hỏi cha, mẹ các cháu khi giáo viên nhận trẻ); không cho học sinh ra khỏi trường trong giờ học; không cho những người không có nhiệm vụ vào trường...

Vụ trưởng Giáo dục thể chất (Bộ GD và ĐT) Nguyễn Thanh Đề cho biết, đến nay, Bộ đã ban hành 26 văn bản chỉ đạo gửi các trường, địa phương chung quanh công tác phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp từng thời điểm dịch bệnh. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ đã huy động toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học tham gia phòng, chống dịch. Kết quả, 100% cơ sở GD và ĐT ở 63 tỉnh, thành phố đã khử trùng trường, lớp học và dụng cụ học tập. Đáng chú ý, nhiều địa phương có những giải pháp linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch và điều chỉnh thời gian học tập của học sinh để bảo đảm an toàn. Nhiều mô hình hỗ trợ phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục đại học bước đầu có sự lan tỏa, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao.

Trước tình hình dịch Covid-19 kéo dài như hiện nay, hệ thống các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục ngoài công lập gặp rất nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Phạm Ngọc Thưởng, trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ GD và ĐT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục. Đó là: miễn, giảm, kéo dài thời gian quyết toán các khoản thuế năm 2019; miễn các khoản thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với toàn bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập đang tham gia đóng trong quý I và II - 2020. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có gói tín dụng cho vay ưu đãi lãi suất 0% áp dụng cho đối tượng là các cơ sở giáo dục ngoài công lập vay với mục đích duy trì hoạt động thường xuyên (chi trả lương, chi phí thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác) nhằm có nguồn vốn chi trả hoạt động và để người lao động yên tâm công tác. Bộ GD và ĐT kiến nghị hỗ trợ chi phí vệ sinh phòng dịch, tiêu độc, khử trùng đối với toàn bộ các cơ sở giáo dục; bổ sung nguồn vốn hỗ trợ các sở GD và ĐT tổ chức xây dựng bài giảng điện tử, trực tuyến dùng chung...

Để sẵn sàng đón học sinh, sinh viên quay trở lại trường học, Bộ GD và ĐT đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục tiếp tục quán triệt một số văn bản về những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh; có biện pháp thông báo, xử trí khi trường học có trẻ mầm non, học sinh, sinh viên xuất hiện một trong các triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc Covid-19.