Triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021

Ngày 31-10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc năm 2020. Hội nghị nhằm tổng kết năm học 2019 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020; triển khai nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam dự và chỉ đạo hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ GD và ÐT, năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là toàn ngành thực hiện mục tiêu kép bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2020; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; ban hành và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên…

Năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, Bộ GD và ÐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 51 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam hoan nghênh và biểu dương nỗ lực của hơn 1,3 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng triệu cựu giáo viên cũng như những kết quả mà toàn ngành giáo dục đạt được trong năm học vừa qua. Toàn ngành đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình để đạt được những tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt. Phó Thủ tướng lưu ý, không vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới mà làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Nhấn mạnh giáo dục là quốc sách hàng đầu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; giáo dục không tách rời khỏi điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Phó Thủ tướng đề nghị, các cấp ủy đảng, chính quyền tới đây cần tập trung ưu tiên hơn nữa cho giáo dục. Thực hiện tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên; lãnh đạo các tỉnh, thành phố ngoài vấn đề trường lớp thì lo cho giáo viên là hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn đến văn hóa trong giáo dục, từng cơ sở giáo dục phải là thiết chế biểu tượng của văn hóa. Cùng với đó, giáo dục phải hội nhập quốc tế, điều gì đã là xu thế thế giới thì nhất định không đi ngược lại. Ðồng thời, để người dân hiểu, đồng thuận và tham gia vào công cuộc đổi mới giáo dục, ngành giáo dục cần hết sức cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý trên tinh thần tôn trọng để tiếp thu nghiêm túc. Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới giáo dục là một quá trình, không chỉ trong một, hai năm. Sách giáo khoa mới bước vào năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên trục trặc xảy ra là không tránh khỏi. Do vậy, ngay từ năm đầu tiên triển khai sách giáo khoa mới, ngành giáo dục cần nghiêm khắc chấn chỉnh những mặt còn chưa tốt và tiếp tục kiên trì, kiên định khi triển khai thực hiện đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo hoặc xã hội hóa để có đủ trường lớp, giáo viên, học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi. Ðồng thời, giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào ở các cấp học.

PV