Chào mừng năm học mới 2020 - 2021

Tiếp tục hiện thực hóa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Năm học 2020-2021 là năm kết thúc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020 và chương trình, kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của ngành Giáo dục. Đây là năm học bản lề, mở ra một giai đoạn mới cho toàn ngành Giáo dục phấn đấu, tạo tiền đề thực hiện thành công kế hoạch giai đoạn tiếp theo, nhân lên những thành tựu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Dấu ấn đổi mới

Những năm qua, ngành Giáo dục đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực không ngừng đạt được nhiều thành tựu quan trọng ở tất cả các cấp học. Công tác đổi mới căn bản, toàn diện từng bước mang lại hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm học 2019 - 2020 vừa qua, dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến ngành Giáo dục. Tuy nhiên, với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân, sự nỗ lực của mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. 

Năm học 2019 - 2020 ghi dấu mốc quan trọng trong công tác hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2020) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 1-7-2019), Bộ GD và ĐT đã chủ trì soạn thảo trình ban hành bốn nghị định, nghị quyết của Chính phủ; tám quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 33 thông tư. Đưa tổng số văn bản pháp quy được hoàn thiện và ban hành trong 5 năm (2016 - 2020) lên 278 văn bản.  

Cùng với hành lang pháp lý, chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học có những chuyển biến rõ rệt. Giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện các giải pháp để bảo đảm điều kiện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, trong đó đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Bên cạnh đó, công tác triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện đồng bộ, toàn diện trên toàn quốc từ việc biên soạn, thẩm định phê duyệt sách giáo khoa (SGK) lớp 1 áp dụng từ năm học 2020 - 2021. Bộ GD và ĐT đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để thực hiện chương trình mới. Lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ SGK khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất. Tất cả các đầu SGK do Bộ GD và ĐT phê duyệt đều được các trường lựa chọn. Điều này bước đầu cho thấy công tác xã hội hóa SGK đã phát huy tác dụng tích cực. Các cơ sở giáo dục đều tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. 

Giáo dục phổ thông mũi nhọn tiếp tục giữ vững thành tích đáng tự hào trên đấu trường quốc tế. Mặc dù xảy ra dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu nhưng học sinh Việt Nam vẫn nỗ lực tham gia các kỳ thi lớn của quốc tế thông qua hình thức trực tuyến. Kết quả, đội tuyển Ô-lim-pích quốc gia môn Hóa học đạt thành tích xuất sắc nhất từ trước đến nay với 4/4 thí sinh đoạt Huy chương vàng, xếp thứ hai thế giới (sau đội tuyển quốc gia Mỹ). Đội tuyển Ô-lim-pích Sinh học có bốn em dự thi đều đoạt giải. Tại Ô-lim-pích Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2020, Việt Nam có 6 em đều đoạt giải, chiếm tỷ lệ 100%, đứng thứ sáu trong các quốc gia tham dự.

Năm học 2019 - 2020 cũng đánh dấu bước “đột phá” của giáo dục đại học trong quyết tâm thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo. Với việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 hướng dẫn thi hành luật này, các trường được giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và tài chính; chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, kiện toàn Hội đồng trường theo hướng thực chất, thực quyền… Nhiều cơ sở giáo dục của Việt Nam với sự nỗ lực không ngừng đã tiếp tục duy trì và nâng cao vị trí trong các bảng xếp hạng khu vực và thế giới. Giáo dục đại học Việt Nam xếp thứ 68/200 quốc gia.

Vượt khó, sẵn sàng cho năm bản lề

Cùng với các ngành, các lĩnh vực, năm học vừa qua, ngành Giáo dục cũng chịu tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19. Việc các trường thực hiện đóng cửa để cùng cả nước chống dịch đã tạo áp lực lớn lên mục tiêu hoàn thành chương trình của các cấp học. Tuy nhiên, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, lần đầu tiên, dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được triển khai trên toàn quốc. Gần 90% trường học cấp THCS, THPT triển khai dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong thời gian nghỉ học phòng, chống dịch Covid-19 là con số ý nghĩa khi trước đó, đây là phương thức chưa từng thực hiện ở bậc phổ thông. Sự thành công của ngành Giáo dục để thích ứng dạy và học trong điều kiện dịch bệnh được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi phương thức dạy học truyền thống; giúp hệ thống giáo dục Việt Nam linh hoạt hơn, tiếp cận cụ thể, sử dụng hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ mới của thế giới và tạo đà cho bước chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục. Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức thành hai đợt (hơn 97% học sinh thi đợt một; gần 3% thí sinh thi đợt hai), đã cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn không chỉ của ngành Giáo dục mà của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, của từng học sinh, giáo viên và phụ huynh. Kỳ thi được tổ chức chu đáo, kỹ lưỡng và đạt mục tiêu kép: Vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, trung thực và khách quan. 

Quá trình một năm vượt khó của ngành Giáo dục không tránh khỏi  vẫn còn những tồn tại cần khắc phục. Điều đó đòi hỏi Bộ GD và ĐT, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, nhà trường, phụ huynh và toàn xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để từng bước tháo gỡ, xử lý trong những năm tới đây. Năm học 2020 - 2021 là năm kết thúc của nhiều chương trình, kế hoạch dài hạn, cũng là năm khởi đầu cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, những bước chuyển quan trọng về mọi mặt, những dấu ấn “vượt khó” giai đoạn vừa qua sẽ là nền tảng để ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu và năm nhóm giải pháp cơ bản với những nội dung cụ thể phù hợp trong từng năm học. Đó là tạo “bước ngoặt” đối với giáo dục phổ thông khi chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai bắt đầu từ lớp 1. Ngành Giáo dục sẽ tập trung cao nhất cho nhiệm vụ trọng tâm này. Bên cạnh đó là việc chuẩn bị các điều kiện triển khai ở các năm học, lớp học tiếp theo, trước mắt là hoàn thành thẩm định, phê duyệt SGK các môn học lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình. 

Ngành Giáo dục cũng tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng mềm cho học sinh và bảo đảm trường học an toàn. Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị cơ sở giáo dục, đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong GD và ĐT, trong đó tập trung hoàn thiện chính sách phát triển đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.

Xác định năm học 2020 - 2021 vẫn là một năm học khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho nên ngành Giáo dục sẽ linh hoạt, chủ động, tích cực ngay từ những ngày đầu tiên của năm học. Bên cạnh sự kiên trì, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý ngành của Bộ GD và ĐT, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ, giáo viên trên toàn quốc và sự tin tưởng, ủng hộ của phụ huynh, học sinh. Sự cộng hưởng của những yếu tố đó sẽ giúp giáo dục Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện, trở thành nền giáo dục hiện đại và phát triển.

GS, TS PHÙNG XUÂN NHẠ

Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo