Thiên văn - ngành học "viển vông"

Kính thiên văn FS-152 của Nhật Bản được sử dụng phục vụ du lịch quan sát vũ trụ ở Hải Phòng.
Kính thiên văn FS-152 của Nhật Bản được sử dụng phục vụ du lịch quan sát vũ trụ ở Hải Phòng.


Bị loại khỏi chương trình phổ thông vì... "viển vông"  

Vừa qua, đến Kiến An - Hải Phòng, nghe dân ở đây kháo nhau ầm ĩ lên đồi Thiên văn để ngắm vũ trụ. Đây vốn là trạm thiên văn xây dựng từ thời Pháp thuộc, từng được xem là lớn nhất Đông Dương, nay trở thành điểm du lịch với sự góp mặt của một chiếc kính viễn vọng. Dân tình leo núi lên trạm thiên văn chẳng mấy chốc đã thấy "chán òm", rốt cục chỉ lên ngó xem "cái máy" đó thế nào. Nhất là trẻ con, vì trong trường học, chúng có bao giờ được nhắc tới khái niệm "thiên văn" đâu.

Ông cha ta ngày trước đã từng biết quan sát các ngôi sao trên bầu trời, ghi lại vị trí của chúng cho các thế hệ sau được biết thông qua các văn tự và cả trong các câu ca dao, tục ngữ truyền khẩu. Xem trong phòng trưng bày của trạm thiên văn ở Kiến An, chúng tôi để ý thấy trưng bày một bảng đo thời tiết của Hải Thượng Lãn Ông - Lê Hữu Trác. Mới hay trong lịch sử, các bậc hiền tài hiểu cao biết rộng của ta cũng đã rất quan tâm đến thiên văn và biết ứng dụng kiến thức thiên văn vào đời sống.  

Vào trước những năm 1950, ở bậc trung học chuyên khoa, với các ban Toán, Lý, Hóa, ban Vạn vật và ban Văn, Sử cũng đã đưa môn thiên văn học vào chương trình giảng dạy. Thiên văn học được coi là môn học chung, là một trong những môn học cung cấp kiến thức cơ bản cho mọi đối tượng học sinh, chứ không phải là môn học chuyên ngành chỉ thuộc về khối khoa học tự nhiên như bây giờ ta vẫn tưởng.   

Và học sinh cũng được tiếp xúc với thiên văn học rất sớm, chứ không phải chờ đến bậc đại học mới được "cưỡi ngựa xem hoa" như một môn phụ. Tuy nhiên, sau này, khi ngành GD tiến hành đợt cải cách chương trình theo hướng tinh giản một số môn học, chỉ tập trung vào những môn học phục vụ mục tiêu xây đựng, phát triển đất nước, thiên văn học cũng nằm trong diện tinh giản.  

Và từ đó đến nay, môn học này vắng bóng hẳn trong nhà trường phổ thông, dễ đến hàng chục năm qua. Ở bậc đại học, cũng có một số chuyên ngành thuộc khối tự nhiên được học kiến thức về thiên văn, nhưng đáng tiếc, nó cũng chỉ là môn học phụ với một thời lượng rất khiêm tốn.   

Năm 1993, Hội Thiên văn học Việt Nam được thành lập quy tụ nhiều các bộ, nhà nghiên cứu khoa học từng được đào tạo ở nước ngoài về ngành thiên văn học. Song sự kiện này cũng không làm thay đổi được thực trạng của ngành học này. Có lẽ, theo quan điểm của những nhà hoạch định chương trình giáo dục, thiên văn học chưa phải môn học thiết thực.  

Đào tạo ở bậc đại học: không đầu, không cuối  

Một giảng viên đại học từng tốt nghiệp ở Ba Lan chuyên ngành thiên văn cho biết: Những người học chuyên sâu về lĩnh vực này   hầu hết học ở Ba Lan và Liên Xô (cũ). Hiện nay họ cũng đều đã là những "cây đa cây đề" cả. Nhưng đa phần trong số đó chuyển sang lĩnh vực nghiên cứu khác, hoặc trở thành các giảng viên đại học. Nói tóm lại là rất ít đất "dụng võ". Người tốt nghiệp khoa thiên văn học thực sự chưa sống được bằng nghề ở Việt Nam.  

Chúng ta chưa có một môi trường và động lực để phát triển khoa học vũ trụ thì đào tạo ra rồi cũng thui chột, lãng phí cả. Cũng vì điều đó mà thế hệ các nhà nghiên cứu khoa học trẻ kế cận trong lĩnh vực này hiện kể như "lá mùa thu".  

- Thế còn công việc giảng dạy ở trường đại học thì sao?- Tôi hỏi.  

Vị giảng viên nọ ngao ngán: "Tôi là giảng viên dạy về thiên văn đây. Thiên văn cũng được đưa vào chương trình của một số ngành đào tạo của một số trường, nhưng hầu như chỉ được coi như môn phụ.   

Ngay như khoa Lý, thiên văn cũng chỉ chiếm bốn học trình thôi. Sinh viên đại học hệ cử nhân tài năng cũng chỉ biết về thiên văn sơ sơ. Thậm chí các em chỉ được biết về bầu trời hoàn toàn qua sách. Mà sách, tài liệu cũng thiếu và ít cập nhật.  

Trong một hội thảo về "Thiên văn học với sự phát triển văn hóa, giáo dục", một vị giáo sư thở dài: "Việt Nam ư? Chúng ta chỉ đứng trên hai nước và dưới tất cả các nước về thiên văn học".  

Sự hạn chế về đội ngũ đào tạo, trang thiết bị và chương trình, tình trạng thiếu một môi trường để ngành thiên văn "có đất dụng võ" đã tác động ngược trở lại nhà trường ở bậc đại học. Trong khi đó, SV đại học của chúng ta cũng chỉ bắt đầu tiếp xúc với thiên văn như những học sinh phổ thông của nhiều nước khác.  

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm nghiên cứu khí tượng đã có lần tâm sự: Chúng tôi rất cần những cán bộ trẻ giỏi về lĩnh vực này. Nhưng oái oăm là ở các trường ĐH lại đào tạo rất ít và không hiệu quả.

Mang vấn đề này trao đổi với một vị trưởng khoa của ĐH Khoa học tự nhiên, vị này thừa nhận thông tin trên, nhưng nói: "Mở ra một khoa chuyên về khoa học vũ trụ, về thiên văn ư? Tôi sợ không có thí sinh đăng ký thi tuyển. Vì cũng như ngành chế tạo máy bay, sinh viên học có thể thích, nhưng ra trường thì thất nghiệp vì có môi trường để làm việc đâu? Chuyện ngành học không đi đôi với yêu cầu nhân lực không phải là hy hữu".  

Trên thế giới hiện nay, khoa học vũ trụ là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh. Trung Quốc không chỉ thành công trong việc đưa con người lên vũ trụ, mà còn coi thiên văn học là bộ môn bắt buộc trong các trường phổ thông. Trong một lần trao đổi về vấn đề này, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: "Trung Quốc đã phổ biến kiến thức về thiên văn ra quảng đại quần chúng".