Thầy giáo đam mê nghiên cứu, bảo vệ môi trường

Ngày đầu năm, chúng tôi gặp thầy giáo Nguyễn Ngọc Hải, Trưởng bộ môn Sinh học, Trường THPT An Lạc Thôn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Nụ cười tươi trên gương mặt phúc hậu, thầy Hải kể cho chúng tôi nghe những khó khăn của người dân vùng nông thôn. Nhưng chính khó khăn đó lại như những “đơn đặt hàng” cho thầy và trò nhà trường.

Thầy Hải (thứ hai từ phải sang) cùng các học sinh trao đổi phương pháp nghiên cứu khoa học.
Thầy Hải (thứ hai từ phải sang) cùng các học sinh trao đổi phương pháp nghiên cứu khoa học.

Là giáo viên giảng dạy môn Sinh học, cho nên thầy giáo Hải rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường sông nước ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Quan sát cuộc sống để liên hệ với kiến thức được học trong nhà trường là điều mà thầy giáo Hải luôn nhắc các học trò của mình. Và rồi những mô hình lọc nước thải bằng than và bã mía; thu gom dầu loang bằng trái bông gòn, lọc khí biogas bằng nước vôi… dần dần ra đời. Lúc đầu, những mô hình này chỉ nhằm minh họa cho các bài học, nhưng rồi lại có tác dụng kích thích học trò nghiên cứu khoa học.

Ðược sự khuyến khích của Ban giám hiệu nhà trường cũng như ngành giáo dục huyện Kế Sách và tỉnh Sóc Trăng, những mô hình nêu trên được xây dựng thành đề tài nghiên cứu bài bản, đoạt giải cấp huyện, tỉnh và toàn quốc. Năm 2012, thầy Nguyễn Ngọc Hải và nhóm học trò vinh dự nhận được giải thưởng khoa học về bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức. Một số học sinh Trường THPT An Lạc Thôn cùng thầy Hải còn được Tổ chức bảo vệ môi trường Thụy Ðiển, mời sang tham dự hội nghị khoa học quốc tế về bảo vệ môi trường.

Biết được những thành tích nghiên cứu về môi trường của thầy giáo Hải và các học trò, nhiều nhà nghiên cứu về môi trường, các doanh nghiệp về tận Trường THPT An Lạc Thôn gặp gỡ, trao đổi. Không ít đề tài nghiên cứu môi trường đã được “đỡ đầu” như dự án “Làng không rác” được thực hiện khá thành công. Lúc mới thực hiện dự án, thầy Hải và hơn 20 học trò thuộc Câu lạc bộ “Em yêu môi trường” tỏa xuống mọi ngóc ngách chợ An Lạc Thôn để thu gom rác. Sau gần hai tuần gom và chở rác từ chợ An Lạc Thôn về đổ thành đống, trộn với chế phẩm biomix và ủ 10 đến 15 ngày, đống rác hữu cơ đã hoai mục và biến thành một dạng phân bón rất tốt cho cây ăn trái. Tiếng lành đồn xa, số phân bón từ rác đã được các chủ vườn trồng bưởi, cam, vú sữa đến mua hết.

Thành công bước đầu của dự án “Làng không rác” được ghi nhận. Mới đây, dự án đã bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm. Một khu đất rộng hơn 1.000 m2 đã được chính quyền địa phương giao cho thầy Hải làm nơi chứa và xử lý rác. Nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các xã khác của huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Ngoài ra, thầy và nhóm học trò còn có các ý tưởng nghiên cứu đã và đang được nhiều doanh nghiệp tìm đến đặt hàng như: Quy trình sản xuất thuốc trừ sâu sinh học, kéo tơ sợi từ thân cây có ở địa phương, thuốc trị nứt gót chân cho người dân vùng sông nước...

Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc Thôn Trần Thanh Tùng cho biết, thầy Hải luôn gương mẫu, đi đầu trong việc học tập, quán triệt chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là các chính sách về giáo dục, đào tạo. Từ đó, trong công tác, thầy tích cực vận dụng cũng như tuyên truyền, giúp cho học sinh hình thành nhân cách đạo đức tốt. Trong chuyên môn, thầy luôn làm tròn vai trò tổ trưởng bộ môn và có sự đầu tư trong nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy học cũng như các phong trào học tập rất tiến bộ. Thầy Hải là người “thắp lửa” cho phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh.