Thay đổi diện mạo từ phương châm “lấy trẻ làm trung tâm”

Sau 5 năm triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016-2020”, diện mạo các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) đã thay đổi tích cực, tác động rõ rệt đến việc nâng cao chất lượng giáo dục trẻ trong các cơ sở GDMN.

Giờ học của học sinh Trường mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Giờ học của học sinh Trường mẫu giáo Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: PHƯƠNG LINH

Trong giờ học trải nghiệm làm khẩu trang ở Trường mầm non chất lượng cao 20-10 (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), cô giáo Nguyễn Thu Thủy, giáo viên lớp mẫu giáo năm tuổi chia sẻ: Trước đây phải mất khá nhiều thời gian để chuẩn bị các bài học trải nghiệm cho học sinh. Nhưng từ khi tiếp cận với phương pháp dạy học đổi mới “lấy trẻ làm trung tâm”, giáo viên đã chủ động trong giảng dạy. Cô giáo là người định hướng, gợi mở để trẻ có cơ hội thể hiện, tự rút ra kiến thức, kỹ năng cho mình thông qua các hoạt động quan sát, thu thập thông tin, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế, trò chơi, bài tập… Theo quan sát của phóng viên, để có giờ học đạt hiệu quả, trước khi hướng dẫn các em làm khẩu trang, là phần hỏi - đáp của các cô giáo để các bé trả lời câu hỏi: Vì sao môi trường bị ô nhiễm, vì sao chúng ta bị lây bệnh, có cách nào bảo đảm môi trường không khí ?... Những bài học đều được chuẩn bị dựa trên khả năng và sự hứng thú của trẻ mầm non kết hợp với những hoạt động phù hợp, phong phú nhằm kích thích tư duy sáng tạo của trẻ cũng như khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động.

Cô giáo Vũ Thị Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao 20-10 cho biết: Với mong muốn tạo nên những giá trị khác biệt trong mỗi trẻ nhỏ, trường đã kiên trì theo đuổi mục tiêu đổi mới toàn diện, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, hiện đại gần gũi với thiên nhiên. Theo cô Thanh, không chỉ dừng lại ở việc đào tạo giáo viên kiến thức nền với trình độ sư phạm mầm non, trường còn trang bị cho giáo viên kiến thức kỹ năng sư phạm theo hướng tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến, tiến tới đủ năng lực triển khai chương trình chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường luôn khuyến khích giáo viên đổi mới sáng tạo trong phương pháp dạy học để trẻ tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm từ học thông qua thực hành thí nghiệm, qua đó, giúp trẻ có kỹ năng tốt về việc tự học, thu thập thông tin cũng như giải quyết các vấn đề.

Còn tại Trường mầm non Măng Non, huyện Hiệp Ðức, tỉnh Quảng Nam, giáo viên đã tập trung đầu tư xây dựng các góc hoạt động theo hướng mở phù hợp với độ tuổi của trẻ để trẻ được thể hiện các ý tưởng khác nhau. Ðồ chơi được bày biện hấp dẫn, sắp đặt hợp lý, khoa học, có tính mở để trẻ dễ tìm, dễ lấy. Nhà trường đã lồng ghép các nguyên vật liệu địa phương, chú trọng sử dụng các vật liệu tự nhiên như lá cây, vỏ cây, rễ cây có hình thù các con vật, hoa lá, hạt cây, rơm rạ để trẻ được thể hiện ý tưởng như sử dụng các loại lá cây, hoa để tạo ra những đồ chơi trang sức như đồng hồ, dây chuyền, nhẫn, bông tai… hoặc trẻ dùng hạt cây, đá, sỏi để xếp hình, xếp chữ, vẽ họa tiết trên đá, dùng vải vụn để thiết kế quần áo cho búp bê... Qua đó, phát huy tính sáng tạo của mỗi trẻ, các sản phẩm của trẻ làm ra được  trưng bày tại góc sáng tạo của lớp, việc này giúp trẻ tự hào, tự tin vì mình đã góp sức làm đẹp cho các góc của nhóm.

Theo Vụ trưởng GDMN, Bộ GD và ÐT Nguyễn Bá Minh, toàn quốc có 18.970 trong số 31.375 cơ sở GDMN triển khai thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện, chuyên đề đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo các cơ sở GDMN, tác động rõ rệt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trẻ. Các cơ sở GDMN đã thay đổi  tích cực từ việc tạo dựng môi trường giáo dục hướng đến trẻ; đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt, phù hợp với thực tế; phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ được đổi mới. Việc đánh giá sự phát triển được thực hiện đúng mục đích, yêu cầu vì sự tiến bộ của trẻ. Sự phối hợp giữa cơ sở GDMN với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ được nhận thức và thực hiện theo đúng định hướng “tất cả vì trẻ em”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế như một bộ phận cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về vai trò và hiệu quả của việc triển khai thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm. Một số cơ sở GDMN chưa kịp thời, đa dạng, linh hoạt hình thức và nội dung tuyên truyền, phối hợp gia đình, cộng đồng trong triển khai thực hiện chuyên đề. Việc chia sẻ, rút kinh nghiệm, đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu tiêu chí chuyên đề chưa được quan tâm thỏa đáng, chưa kịp thời phát hiện, phát huy hết sáng tạo của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non.

Theo Thứ trưởng GD và ÐT Ngô Thị Minh, thời gian tới, Bộ GD và ÐT tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, đồng thời, tổ chức tập huấn nhằm nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN. Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh bổ sung, cụ thể hóa các tiêu chí của chuyên đề phù hợp để hướng dẫn các cơ sở GDMN; tăng cường bồi dưỡng năng lực cán bộ quản lý, giáo viên mầm non trong việc vận dụng tiêu chí chuyên đề vào quản lý và thực hiện chương trình.