Tăng tính chủ động, trách nhiệm của địa phương trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Ngày 5-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 9 và 10-8, muộn hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành giáo dục đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp dạy học, ôn tập; phổ biến, quán triệt những điểm mới của kỳ thi...

Ðối sánh kết quả thi với học bạ

Theo PGS, TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD và ÐT), yêu cầu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 là tăng cường hơn về tính tự chủ của các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Bộ GD và ÐT chỉ đạo tổ chức kỳ thi; xây dựng quy chế thi, các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, nghiệp vụ thanh tra; xây dựng, cung cấp đề thi cho các hội đồng thi; cung cấp các phần mềm phục vụ tổ chức thi dùng chung cả nước; tổ chức thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Ðáng chú ý, các cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi như các năm trước; chỉ tham gia các đoàn thanh tra để thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài các đoàn thanh tra của Bộ GD và ÐT, sở GD và ÐT, thanh tra tỉnh tổ chức các đoàn thanh tra tất cả các khâu tổ chức kỳ thi theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Kỳ thi nhằm mục đích đánh giá kết quả học tập của người học theo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT, chương trình giáo dục từ xa cấp THPT (gọi chung là chương trình THPT); lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm cơ sở đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục. Các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh. Một trong những điểm mới năm nay, ngoài phân tích phổ điểm kết quả thi, còn thực hiện việc đối sánh điểm thi trung bình các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học lớp 12 (học bạ) nhằm bảo đảm kết quả kỳ thi phản ánh đúng chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông...

Theo Bộ GD và ÐT, phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được xây dựng phù hợp với Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019; phù hợp với thực tế dạy và học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mục đích chính là để xét tốt nghiệp THPT nhưng thực tế rất nhiều trường đại học công bố sẽ sử dụng kết quả này để tuyển sinh. Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi phải bảo đảm yêu cầu nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng, minh bạch.

Thực hiện nghiêm túc năm nhiệm vụ

Ðể kỳ thi được tổ chức thuận lợi, an toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đề xuất cần nâng cấp phần mềm quản lý thi, quy định rõ hơn về công tác thanh tra, cách tính điểm liệt. Cụ thể, cần sửa đổi, nâng cấp phần mềm quản lý thi để tránh hiện tượng thí sinh nhập thay đổi nguyện vọng nhưng gặp sự cố về điện, nghẽn mạng chưa được lưu vào máy chủ dẫn đến không có tên trong danh sách trúng tuyển. Bên cạnh đó, cần cải tiến phần mềm chấm thi trắc nghiệm, cải tiến biên bản sửa lỗi bài thi, soát lỗi theo tài khoản người dùng... Ðiểm liệt bài thi thứ tư cần tính điểm trung bình cả ba môn thi thành phần thay vì tính điểm theo từng môn. Trong khi đó, đại diện Sở GD và ÐT Ðà Nẵng nêu băn khoăn: Ðiều 49 quy chế thi quy định có ba lực lượng thanh tra, bao gồm: Thanh tra Bộ GD và ÐT, thanh tra tỉnh, thanh tra sở GD và ÐT nhưng thanh tra, kiểm tra cùng một đối tượng, cùng thời điểm thì có chồng chéo và đúng quy định hay không? Phó Giám đốc Sở GD và ÐT thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nêu rõ, những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh có số lượng lớn thí sinh đăng ký dự thi với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Vì vậy, đề nghị công tác ra đề thi cần bảo đảm độ phân hóa để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học...

Thứ trưởng Bộ GD và ÐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, năm nay, Chính phủ giao các tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức kỳ thi, cho nên công tác thanh tra, kiểm tra cũng thay đổi. Bộ GD và ÐT đã làm việc với Thanh tra Chính phủ tính toán phương án rất cẩn trọng, bảo đảm không trái luật, thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ khi phối hợp thanh, kiểm tra. Thanh tra, kiểm tra bảo đảm tính độc lập ở mọi cấp; phân rõ trách nhiệm từng cấp thanh tra, kiểm tra với năm nội dung: Rõ nhiệm vụ, rõ thẩm quyền, rõ mục tiêu, rõ phương pháp, rõ trách nhiệm. Ðiểm mới trong công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi năm nay là có thêm lực lượng thanh tra cấp tỉnh. Hướng dẫn thanh tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được Bộ GD và ÐT ban hành trong thời gian tới.

Bộ trưởng GD và ÐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngành giáo dục sẽ thực hiện nghiêm túc năm nhiệm vụ để chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi. Trước hết, các sở GD và ÐT cần tiếp tục chỉ đạo các nhà trường dạy học, ôn tập theo chương trình, hướng dẫn của Bộ GD và ÐT bảo đảm chất lượng, để học sinh yên tâm, tự tin dự thi. Kỳ thi chủ yếu tập trung kiểm tra kiến thức cơ bản, giảm các câu hỏi khó và mức độ khó của đề thi. Do đó, công tác ôn tập cần có sự điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của kỳ thi, giúp học sinh ôn thi nhẹ nhàng, không áp lực. Bộ GD và ÐT đã ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT, đề nghị các địa phương sớm thành lập ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, trong đó phân công rõ công việc, nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng thành viên. Ðặc biệt, cần lưu ý công tác tập huấn cho các thành viên tham gia làm thi nghiêm túc, kỹ lưỡng. Ðề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi. Trong đó, việc chuẩn bị và lắp đặt hệ thống ca-mê-ra an ninh giám sát phải bảo đảm chất lượng theo quy định; tránh hiện tượng có ca-mê-ra nhưng không hoạt động hoặc hoạt động trục trặc.

Bước vào mùa thi, một số vùng miền núi hay xảy ra mưa lũ cho nên địa phương cần có phương án dự phòng để bảo đảm an toàn cho điểm thi, hỗ trợ thí sinh đến dự kỳ thi an toàn, kịp thời. Năm nay, công tác chấm thi hoàn toàn do địa phương thực hiện, cả chấm trắc nghiệm và tự luận. Việc chấm thi phải thực hiện bảo đảm đúng quy trình quy định trong quy chế thi; cần nghiên cứu thật kỹ và dự báo những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình chấm thi. Các ban chỉ đạo, hội đồng thi, giám đốc các sở GD và ÐT phối hợp sở thông tin và truyền thông, cơ quan báo chí chủ động cung cấp thông tin để phản ánh kỳ thi một cách trung thực, khách quan, tránh tình trạng thông tin không đầy đủ có thể phát sinh hoang mang trong xã hội...