Phát triển trường dân tộc nội trú ở Thái Nguyên

NDO -

NDĐT - Tỉnh Thái Nguyên có gần 1,3 triệu người, trong đó có khoảng 340 nghìn đồng bào thuộc 46 dân tộc anh em, chủ yếu cư trú ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, kinh tế phát triển, tỉnh chú trọng phát triển giáo dục chuyên biệt nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào, góp phần tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số ở các địa phương trong tỉnh.

Học sinh Trường phổ thông DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Võ Nhai).
Học sinh Trường phổ thông DTNT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Võ Nhai).

Tăng quy mô giáo dục

Tỉnh Thái Nguyên có sáu trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT), trong đó có năm trường THCS và một trường THPT (Trường phổ thông DTNT Thái Nguyên). Nhằm phát triển giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 19, nhiệm kỳ 2015 - 2020, xác định, đến năm 2020, có 8% học sinh người DTTS được học trong các trường phổ thông DTNT.

Triển khai mục tiêu này, tỉnh đã ban hành đề án phát triển các trường phổ thông DTNT, trong đó, chủ yếu là đầu tư nâng cấp, xây thêm lớp học, chỗ ở, mua sắm trang thiết bị, chuẩn hóa giáo viên nhằm mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục tại các trường phổ thông DTNT.

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đầu tư hơn 200 tỷ đồng mở rộng, tăng quy mô tuyển sinh các trường nội trú. Cụ thể, xây mới Trường phổ thông DTNT THCS Định Hóa với cơ sở vật chất, trang thiết bị, chỗ ở cho học sinh đồng bộ và năm trường còn lại được đầu tư xây thêm phòng học, chỗ ở cho học sinh nhằm tăng quy mô. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang chỉ đạo nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng Trường phổ thông DTNT THCS Định Hóa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ dùng sinh hoạt, đưa vào sử dụng từ năm học mới tới đây. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện đầu tư mở rộng Trường phổ thông DTNT THCS Phú Lương, đưa vào sử dụng từ năm học mới tới đây.

PGS,TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Với sự nỗ lực của tỉnh, đến nay, việc đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường phổ thông DTNT đã cơ bản hoàn thành. Từ năm học 2020- 2021, tất các các trường này đều đạt chuẩn, nâng tỷ lệ học sinh người DTTS học trong các trường phổ thông DTNT từ 5,6% đầu nhiệm kỳ lên 8% từ năm học 2020- 2021 trở đi”.

Ban hành chính sách đặc thù

Theo Thông tư số 109/2009/TTLT/BTC- BGDĐT ngày 29-5-2009 của Liên bộ Tài chính - Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông DTNT và các trường dự bị đại học dân tộc, học sinh học các trường phổ thông DTNT được hưởng chế độ bằng 80% mức tiền lương cơ sở. Thực tế, đặc thù học sinh nội trú, ăn uống hằng ngày đều tập trung tại ký túc xá nên các trường đã sử dụng toàn bộ số tiền các em được hưởng theo chế độ để lo việc tổ chức ăn uống hằng ngày, bao gồm ăn sáng, ăn trưa, ăn tối và chi phí chất đốt.

Với chế độ bằng 80% mức lương cơ sở, chỉ số giá tiêu dùng trên địa bàn tỉnh có biến động nên khẩu phần trong các bữa ăn của các em chưa đáp ứng được yêu cầu về chế độ dinh dưỡng để phát triển thể chất, ảnh hưởng đến học tập và rèn luyện. Trong khi đó, học sinh các trường phổ thông DTNT trên địa bàn tỉnh đều là con em đồng bào DTTS, phần lớn thuộc diện gia đình khó khăn nên không có điều kiện bồi dưỡng thêm vào các bữa ăn ở trường.

Trước thực trạng đó, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh các trường phổ thông DTNT thuộc tỉnh quản lý từ năm học 2018 - 2019, học sinh đang học tại sáu trường phổ thông DTNT thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý sẽ được hỗ trợ 20% mức tiền lương cơ sở/tháng/học sinh, thời gian hưởng là 10 tháng/năm nhằm hỗ trợ bữa ăn hằng ngày.

Như vậy, cùng việc thực hiện Thông tư liên tịch số 109 nêu trên, mỗi tháng, học sinh phổ thông DTNT thuộc tỉnh quản lý sẽ được hưởng 100% mức lương cơ sở để cải thiện bữa ăn. Đây là chính sách nhân văn, thể hiện sự quan tâm của tỉnh Thái Nguyên đối với con em đồng bào đang học tập tại các trường phổ thông DTNT cải thiện chế độ dinh dưỡng để phát triển trí tuệ, thể chất, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của hệ thống trường chuyên biệt này.

Cùng cơ sở vật chất được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ, có chế độ đặc thù đối với học sinh, đến nay, 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các trường phổ thông DTNT của tỉnh đều đạt chuẩn, trên chuẩn, tâm huyết nên chất lượng tại các trường được nâng lên rõ rệt, cao hơn so mặt bằng chung. Điển hình là Trường phổ thông DTNT Thái Nguyên có truyền thống dạy và học tốt, các em tự giác học tập, các thầy, cô giáo tận tụy nuôi dạy nên chất lượng giáo dục đứng tốp đầu trong khối THPT toàn tỉnh, tỷ lệ tốt nghiệp THPT từ năm 2010 đến nay đạt 100%, trong đó, 80% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1, góp phần tích cực tạo nguồn cán bộ người DTTS cho tỉnh.