Phát hiện sớm, can thiệp sớm trường hợp trẻ ảnh hưởng chất độc hóa học

Phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ ảnh hưởng chất độc hóa học là một trong những mục tiêu quan trọng mà dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin giai đoạn 2018 - 2021 đang tích cực triển khai.

Khám sàng lọc trẻ khuyết tật tại tỉnh Nghệ An.
Khám sàng lọc trẻ khuyết tật tại tỉnh Nghệ An.

Tại những tỉnh vùng dự án, các đơn vị chức năng đã tập trung rà soát, điều tra và sàng lọc phát hiện trẻ khuyết tật ở trẻ em dưới sáu tuổi tại nhà và tại trường mầm non, đồng thời thực hiện các hoạt động can thiệp phục hồi chức năng (PHCN). Theo đó, các cán bộ y tế trường học và y tế xã sau khi được tham gia lớp tập huấn cách phát hiện sớm khuyết tật tổ chức sàng lọc phát hiện khuyết tật với các học sinh theo học tại trường. Các cán bộ y tế thôn trong chương trình PHCN dựa vào cộng đồng tiến hành rà soát các trẻ chưa tới độ tuổi đến trường có nguy cơ mắc khuyết tật tại cộng đồng; rà soát trẻ có nguy cơ mắc khuyết tật và triển khai tư vấn, hướng dẫn gia đình chuyển tuyến khám, điều trị PHCN.

Tại tất cả các trường mầm non trên địa bàn các huyện triển khai dự án, cán bộ y tế tổ chức khám sàng lọc phát hiện trẻ khuyết tật. Giao cán bộ y tế thôn thực hiện theo dõi đối với những trẻ dưới ba tuổi có nguy cơ mắc khuyết tật, có tư vấn kịp thời, báo cáo trạm y tế xã nhằm phát hiện khuyết tật sớm và có can thiệp kịp thời tăng cơ hội hòa nhập xã hội cho trẻ. Tại ba huyện Bảo Thắng (Lào Cai) và Võ Nhai, Ðồng Hỷ (Thái Nguyên) đã tiến hành điều tra 46 xã với tổng số 2.760 trẻ được vào danh sách khám, bao gồm trẻ mẫu giáo mầm non và trẻ không đi học sống tại cộng đồng. Trên cơ sở kết quả sàng lọc, dự án tổ chức các kênh trao đổi trực tiếp hoặc tư vấn nhóm cho nạn nhân và người khuyết tật, người nhà về cách chăm sóc, hỗ trợ và PHCN, phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ khuyết tật.

Các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về PHCN cho trẻ khuyết tật giữa các bà mẹ có con bị cùng dạng khuyết tật cũng thường xuyên được tổ chức nhằm xây dựng hệ thống tư vấn trực tiếp, tạo điều kiện để cộng đồng tiếp cận thông tin về chăm sóc, PHCN và phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật dễ dàng. Các cán bộ y tế chủ chốt phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức các buổi tư vấn trực tiếp cho cộng đồng theo các chủ đề. Mặt khác, lồng ghép các
nội dung chăm sóc PHCN và phục hồi sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật thông qua các cuộc họp của các ban, ngành địa phương. Các ban, ngành, hội nạn nhân chất độc hóa học, đoàn thanh niên… cũng tổ chức các sự kiện xã hội, các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát hiện sớm, can thiệp sớm và PHCN cho nạn nhân và người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và huy động sự tham gia của các đoàn thể và cộng đồng trong hoạt động chăm sóc/hỗ trợ nạn nhân da cam và người khuyết tật.

Bệnh viện Nhi T. Ư với vai trò đồng thực hiện dự án đã thực hiện nhiều hoạt động để phát hiện sớm, can thiệp sớm, PHCN khuyết tật cho trẻ em tự kỷ dưới sáu tuổi tại hai tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa. Tại Thái Nguyên, hoạt động khám sàng lọc được thực hiện tại bảy xã với tổng số 4.105 trẻ được sàng lọc, qua đó phát hiện 532 trẻ nghi ngờ bất thường, riêng rối loạn phát triển là 182 trẻ. Tại bảy xã ở Thanh Hóa, có 4.265 trẻ được khám sàng lọc, qua đó phát hiện 420 trẻ có nghi ngờ bất thường, riêng trẻ nghi ngờ rối loạn phát triển là 330 cháu. Tại hai tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa, Bệnh viện Nhi T.Ư đã tổ chức khám, chẩn đoán tự kỷ cho 430 trẻ, qua đó phát hiện 63 trẻ mắc tự kỷ, 66 trẻ chậm phát triển trí tuệ và 104 trẻ chậm nói đơn thuần. Các cán bộ y tế tổ chức các buổi hướng dẫn can thiệp tại gia đình để giúp cha mẹ và người chăm sóc trong việc bố trí môi trường can thiệp, thực hiện các hoạt động can thiệp và phối hợp giáo viên, nhà trường. Sau các buổi hướng dẫn, cha mẹ có thể thực hiện việc dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, cách tự phục vụ và quản lý hành vi. Tùy theo mức độ bệnh, trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật trí tuệ được hướng dẫn đi can thiệp tại các cơ sở y tế hay trung tâm giáo dục đặc biệt...

Đến nay, trên cơ sở thực tế triển khai tại các địa phương và với tài liệu, tham khảo các mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm và quản lý trẻ tự kỷ tại các nước trên thế giới và trong khu vực, dự án cũng đã xây dựng và hoàn thành thử nghiệm quy trình phát hiện sớm, can thiệp sớm, chăm sóc và quản lý trẻ tự kỷ dưới sáu tuổi phù hợp thực tế Việt Nam.

ÐỖ CHÂU