Nỗi niềm “xã đảo” Thạnh An

Cụm đảo Thạnh An là đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh. Để di chuyển về đất liền tới các quận trung tâm của thành phố, nhiều người dân ở các đảo nhỏ phải trung chuyển bằng tàu biển, rồi xe khách, mất chừng năm giờ đồng hồ. Sự cách trở và bất tiện về đi lại, cùng với tụt hậu về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế... đã gia tăng thêm sự xa cách.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thạnh An tổ chức nơi nghỉ và cơm trưa cho học sinh các ấp đảo.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thạnh An tổ chức nơi nghỉ và cơm trưa cho học sinh các ấp đảo.

Hơn 70 cây số ngồi xe từ Hồ Con Rùa đến thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ), rồi một giờ đồng hồ ngồi tàu đò ra đảo Thạnh An. Đón xe về Đồn Biên phòng, cậu lái xe ôm bảo: “Cuốc xe đi đâu cũng năm ngàn đồng. Đường trên đảo này cỡ hai cây số là hết, ngắn mà! Đỡ khổ là hai năm nay đảo có điện lưới, nên khách thành phố cũng lai rai tới tham quan, ngủ đêm lại. Đồ hải sản ở đây rẻ ê hề! Đâu biết xứ đảo này thuộc thành phố lớn nhất nước phải không ông?”.

Sống ở đảo, chuyện mưa bão thường như cơm bữa, các thế hệ cư dân trên đảo cứ vậy trưởng thành và đông lên. Cụm đảo Thạnh An với ba ấp Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng, có 1.200 hộ dân, với hơn 4.500 nhân khẩu đã minh chứng một cộng đồng dân cư bền vững nơi biển, đảo. Ngày nào cũng có sáu chuyến đò từ đất liền ra đảo và ngược lại. Những thời điểm cảnh báo bão lớn ảnh hưởng trực tiếp đến xã đảo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thực hiện lệnh sẵn sàng sơ tán di dời khẩn cấp toàn bộ hộ dân từ đảo vào vị trí an toàn trong đất liền để tránh bão, học sinh được nghỉ học... Chuyện số phận, chuyện ra đảo mưu sinh với đủ mọi nỗi niềm và các cung bậc cảm xúc khác nhau. Lâu ngày tàu đánh cá đã cũ, chỉ có thể loanh quanh đánh bắt gần bờ nên sản lượng không cao, trừ chi phí xăng dầu, nhân công thì dư dả không nhiều. Tháng mùa khô, người bận bịu theo nghiệp diêm dân (làm muối) suốt ngày rát mặt ngoài ruộng muối ven đảo. Chuyện làm ăn đã khó vậy rồi, dịch Covid-19 càng khiến đời sống dân sinh đảo xa đất liền khó càng thêm khó.

Chưa kịp ấm chân tại Đồn Biên phòng Thạnh An, anh em đưa chúng tôi lên vỏ lãi thêm 40 phút vượt sóng đến ấp đảo Thiềng Liềng. Đón chúng tôi tại cầu cảng sông Lòng Tàu, nơi liên tục các tàu viễn dương từ Biển Đông ra vào, Trưởng ấp Nguyễn Văn Yến (thường gọi là Sáu Yến) tóm tắt ngắn gọn: “Thiềng Liềng là ấp đảo xa nhất TP Hồ Chí Minh và cũng là nơi duy nhất có núi (Giồng Chùa) của thành phố!”. Anh cho biết thêm là ấp Thiềng Liềng có hơn 260 hộ dân sinh sống. Khu dân cư ấp hình thành vào năm 2005 từ việc chính quyền xã di dời 75 hộ dân nghèo ở các đảo nhỏ biệt lập, không có điều kiện sinh hoạt về ấp, tiếp đó vận động nguồn quỹ tài trợ xây dựng nhà tình thương, dần dà có thêm Trạm Y tế, điểm trường tiểu học, điện, nước... “Bỏ qua những khó khăn mưu sinh, chuyện học hành của con em trên đảo mới là chủ đề đáng quan tâm nhất, đến Thiềng Liềng là hiểu liền!”. Nói xong, Trưởng ấp liệt kê con số học sinh trên địa bàn từ mầm non đến lớp 12 là 116 em, trong đó 41 học sinh muốn học tiếp từ lớp 6 đến lớp 12 thì hằng ngày vẫn phải theo đò đến học tại Trường THCS - THPT Thạnh An (ấp Thạnh Hòa).

Mới 5 giờ sáng, dọc theo con đường bê-tông nhỏ quanh ấp, học sinh cấp 2, cấp 3 đã lặng lẽ rủ nhau tựu lại bến đò ấp Thiềng Liềng để về ấp Thạnh Hòa, kịp cho tiết học đầu tiên. Những học sinh THCS còn nhỏ thì có người lớn đưa đi. Anh em Trạm Biên phòng bảo: “Tại Thiềng Liềng, học sinh còn thức sớm hơn cả bộ đội!”. Đúng vậy, đò sẽ rời bến lúc 5 giờ 30 phút sáng thì học sinh phải thức dậy trước 5 giờ sáng, chuẩn bị đồ dùng cần thiết, rồi đi bộ đến bến. Trên đò, em thì ngủ gục trên ghế, em thì tranh thủ ôn bài, tra bài nhau... Chủ tàu đò Nguyễn Thanh Tùng cho biết, không ít học sinh phải thức dậy từ 4 giờ 30 phút sáng, qua nhiều đảo nhỏ để tới kịp bến đò này lúc 5 giờ 30 phút sáng, rồi 17 giờ 30 phút lại ngồi đò trở về nhà. Vì điều kiện đi học giữa các đảo khó khăn nên chính quyền xã, ấp và Đồn Biên phòng vận động các nhà hảo tâm trợ giá vé tàu đò cho học sinh, bớt 5.000 đồng giá vé so với người lớn. Bước vào mùa mưa bão mọi rình rập trên biển khiến ai cũng lo lắng, nhất là học sinh vào đầu năm lớp 6, những lần đi biển đầu tiên bị say sóng, rồi hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bỏ bê học tập hay không là ở mốc này. Chính quyền xã, rồi lãnh đạo ấp phải đi đến từng nhà có hoàn cảnh như vậy để động viên, hỗ trợ để học sinh học tiếp. Tại bến tàu đò, em Đào Huy Đông Ngọt, học sinh lớp 12 cho tôi biết: “Con ráng từ lớp 6 tới giờ này, sau này nếu thi đậu và học đại học ở đất liền thì đỡ cực hơn!”.

“Vậy cũng mừng rồi đó, hai năm trước, trường học tại Thiềng Liềng chỉ dạy hết tiểu học, tại Thạnh Hòa và Thạnh Bình chỉ đến hết lớp 9, học sinh các cụm đảo xã Thạnh An muốn học tiếp phải tập trung đi tàu biển vào đất liền tại Trường THPT Cần Thạnh (huyện Cần Giờ). Với học sinh ấp Thiềng Liềng phải di chuyển tàu biển từ ấp ra xã, rồi từ xã về huyện, cả ngày đi và về với bốn lần ngồi tàu khách mất gần ba tiếng đồng hồ đi lại nếu thời tiết êm đẹp. Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con cụm đảo xã Thạnh An, Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh tập trung đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trường THCS - THPT Thạnh An bắt đầu từ năm học 2018-2019, giảm bớt phần nào chi phí học tập, sinh hoạt và khó khăn đi lại của học sinh trên đảo” - Trung tá Trần Thanh Nhã, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thạnh An cho biết.

Thiếu tá Bao Minh Tiến, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thạnh An cho biết, các đảo thuộc xã Thạnh An biệt lập với đất liền, sự giao lưu đi lại bằng đường thủy nên tạo ra những trở ngại về thời gian và tốn kém chi phí, chưa nói đến độ an toàn, việc hưởng thụ văn hóa của người dân trên đảo còn nhiều hạn chế. Năm 2013, Đồn Biên phòng Thạnh An phối hợp với Ban Nhân dân ấp Thiềng Liềng vận động tài trợ 14 bộ máy vi tính và mở lớp phổ cập tin học cho học sinh và người dân trên địa bàn ấp. Trưởng ấp cũng là một trong những học viên của lớp này và đến nay anh đã thành thạo trong việc soạn thảo và in ấn văn bản hành chính. Vì tương lai của thế hệ trẻ hải đảo, chương trình “Nâng bước em tới trường” cho cụm đảo xã Thạnh An, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh hỗ trợ năm học sinh, Đồn Biên phòng Thạnh An hỗ trợ hai học sinh với mức học bổng 500.000 đồng/tháng suốt từ khi đi học đến hết lớp 12. Ngoài việc phối hợp chính quyền xã vận động hỗ trợ chi phí đi lại học hành cho con em trên đảo, Đồn Biên phòng hướng tới việc hỗ trợ chỗ nghỉ ngơi và cơm trưa cho học sinh các ấp đảo đang học tại Trường THCS - THPT Thạnh An tại ấp Thạnh Hòa. “Tế nhị lắm, sợ các cháu ngại vào Đồn Biên phòng nên chúng tôi bố trí mâm cơm tại Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vừa không qua chốt gác, vừa là nơi thoáng mát, cơm nước sạch sẽ và có chỗ tập thể dục, nghỉ trưa. Thêm vài suất ăn mà các cháu ăn no, nghỉ ngơi, yên tâm học hành mới xem như chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ!” - Trung tá Trần Thanh Nhã cho biết.

Đảng bộ và chính quyền TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội xã Thạnh An. Mong muốn được công nhận là xã đảo luôn là nguyện vọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân Thạnh An. Hơn 5 năm trước, HĐND thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua tờ trình của UBND huyện Cần Giờ về việc công nhận xã Thạnh An là xã đảo và UBND thành phố cũng đã trình Chính phủ về đề xuất này. Mới đây, tháng 6-2020, UBND huyện Cần Giờ đã hoàn chỉnh hồ sơ và có tờ trình UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét thông qua và trình Thủ tướng Chính phủ sớm có quyết định công nhận xã Thạnh An là xã đảo. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng từ những thế hệ cư dân ở cụm đảo thuộc xã Thạnh An.