Nỗ lực vượt khó, đưa học sinh vùng lũ đến trường

Khắc phục những khó khăn do thiên tai, mưa lũ gây ra, sáng hôm qua (5-9), nhiều địa phương, nhà trường trong cả nước đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới đơn giản, trang trọng trong niềm hân hoan của thầy, trò và các bậc phụ huynh.

Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 vượt suối, cõng trẻ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới.
Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 vượt suối, cõng trẻ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới.

Sáng 5-9, nhiều tuyến đường, khu vực trường học ở tỉnh Nghệ An vẫn ngập nước sau nhiều ngày mưa tầm tã. Bởi vậy, có 183 trường tại vùng đồng bằng phải lùi ngày khai giảng, một số trường tổ chức khai giảng ấm cúng trong nhà đa năng, học sinh theo dõi qua màn hình lớn hoặc tổ chức tại hội trường UBND xã. Tuy vậy, các nội dung vẫn bảo đảm đầy đủ ý nghĩa của Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Tại các huyện miền núi, thời tiết thuận lợi hơn cho nên các huyện như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông, Quế Phong đã tổ chức lễ khai giảng trọn vẹn với đông đủ học sinh và thầy cô tham dự. Lễ khai giảng ở những nơi này đơn giản, nhưng học sinh hào hứng với những hoạt động văn hóa truyền thống như kéo co, ô ăn quan, tò mạc lẻ (trò chơi dân tộc Thái)…

Để bảo đảm an toàn cho học sinh, hôm qua, hơn 300 trường ở Hà Tĩnh quyết định dừng tổ chức khai giảng. Tại những địa bàn an toàn, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trang nghiêm. Cô giáo Đỗ Thị Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lý Tự Trọng cho biết, mặc dù trời mưa nhưng công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới được triển khai bài bản, chu đáo. Thực hiện công điện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh, sáng 5-9, gần 1.000 học sinh sống ở các khu vực xung yếu, khu vực ngập lụt không phải đến trường tham dự khai giảng. Nhà trường lồng ghép các hoạt động vinh danh các giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học vừa qua, tặng 40 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập. Cùng với đó là những tiết mục văn nghệ phù hợp điều kiện nhà trường nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh. Tại các huyện nằm trong vùng ngập lụt như: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn… mặc dù chưa thể tổ chức khai giảng, nhưng các trường vẫn bố trí giáo viên kiểm tra, bảo quản tài sản, nước rút đến đâu dọn dẹp, vệ sinh phòng học đến đó để kịp thời bước vào năm học mới.

Ở những vùng mưa lũ vừa đi qua, hậu quả còn nặng nề, nhưng chính quyền, người dân đã chung tay khắc phục mọi khó khăn, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh bước vào năm học mới. Tại Thanh Hóa, đầu tháng 8 vừa qua, lũ quét gây thiệt hại nặng cho các trường học ở huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, trong đó, một số điểm trường của Trường tiểu học Na Mèo bị đổ sập. Cùng với việc nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, bảo đảm không có hộ dân nào bị đói, rét sau thảm họa thiên tai, cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn luôn quan tâm ổn định đời sống giáo viên, sửa chữa, chỉnh trang kịp thời 10 điểm trường bị thiệt hại, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất trường, lớp để kịp đón hơn 10.000 học sinh tựu trường. Hôm qua, các điểm trường đã đưa học sinh ra khu trường chính của Trường tiểu học Na Mèo khai giảng năm học mới. Khu vực này giờ đã có cầu tạm, đường được sửa chữa, cải tạo, cho nên từ sáng sớm, đông đảo phụ huynh đưa con, em đến trường. Dù không trang hoàng lộng lẫy, nhưng ngày khai giảng năm học mới ở xã vùng cao biên giới này vẫn náo nức niềm vui. Tình cảm thầy trò, sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân hảo tâm khiến cho ngày hội đưa trẻ đến trường thêm vui tươi và ấm áp tình người. Trong lễ khai giảng, nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh xúc động khi thầy Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Na Mèo nhắc lại những mất mát mới xảy ra với nhà trường, nhất là có hai học sinh của trường chết do bị lũ cuốn. Vượt lên những khó khăn, năm học mới, thầy và trò Trường tiểu học Na Mèo quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, cùng cấp ủy, chính quyền, nhân dân góp sức, đồng lòng xây dựng nhà trường ngày càng phát triển.

Huyện biên giới Ea Súp (Đác Lắc) cũng vừa trải qua đợt lũ lịch sử đầu tháng 8, với hậu quả nặng nề, nhưng lãnh đạo chính quyền địa phương quyết tâm không để một học sinh nào phải bỏ học. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm đã chia sẻ, tặng hàng nghìn suất quà, học bổng, xe đạp, áo quần, cặp sách, sách vở, đồ dùng học tập... để tiếp sức cho các em đến trường. Ngay từ sáng sớm hôm qua, khi mặt trời vừa chiếu những tia nắng đầu tiên trên dãy núi phía đông của huyện, cũng là lúc trên các tuyến đường liên thôn, liên xã; học sinh đã xúng xính trong quần áo mới với cờ hoa, băng-rôn, khẩu hiệu nô nức đến các trường. Bà H’Chư ở buôn C, thị trấn Ea Súp, đưa con đến trường trong bộ áo quần thổ cẩm truyền thống của dân tộc Gia Rai cho biết: “Đợt mưa lũ vào đầu tháng 8 vừa qua đã làm ngập và cuốn trôi hết ba héc-ta mì và điều của gia đình, cuộc sống hết sức khó khăn. Chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương cùng nhà hảo tâm đã hỗ trợ áo quần, sách vở để con tôi tiếp tục được đến trường.

Nhiều ngày qua có mưa lớn, mực nước suối dâng cao khiến nhiều học sinh của Trường tiểu học Tô Hiệu (xã Đác Ngo, huyện biên giới Tuy Đức, tỉnh Đác Nông) không thể tựu trường. Hôm qua, để giúp các em kịp đến trường khai giảng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 720, Binh đoàn 16 đóng chân trên địa bàn đã kịp thời đến nhà, cõng các em vượt suối, rồi chở đến trường bằng xe máy. Trợ lý Chính trị Trung đoàn 720, Binh đoàn 16, Đại úy Lê Quang Sáng cho biết: Ngay từ sáng sớm, đơn vị đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp nhà trường đến các cụm dân cư đang bị cô lập đưa các cháu đến trường kịp giờ khai giảng, bảo đảm buổi lễ tựu trường diễn ra thuận lợi, an toàn về người và đồ dùng học tập.

Vào ngày khai giảng ở Lâm Đồng, nhiều thứ vẫn còn ngổn ngang do mưa lũ vừa đi qua, nhưng tỉnh Lâm Đồng đã huy động nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả, chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Tại vùng “rốn lũ” ba huyện phía nam Lâm Đồng, gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên, chính quyền và nhân dân cùng chung tay, tạo mọi điều kiện để con em được đến trường, chung vui niềm vui cùng bè bạn trong ngày khai giảng. Cùng con trai dự ngày khai giảng, anh K’Thanh ở xã Đưng Kuơh, huyện Lạc Dương thổ lộ: “Cơn bão vừa qua khiến nhà mình bị hư hỏng, các anh công an, dân quân, thanh niên đã tới giúp dựng lại căn nhà mới, xã thì hỗ trợ gạo. Mình động viên thằng út phải đến trường để kiếm cái chữ mới có tương lai. Ngày khai giảng, thấy nó vui mình hạnh phúc lắm”.

Những nỗ lực của chính quyền các địa phương, vùng bị thiên tai, lũ lụt các tổ chức, các bậc phụ huynh đã góp phần quan trọng tạo không khí khai giảng vui tươi, phấn khởi, thể hiện sự chung tay, góp sức đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo.