Nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới

Là tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, tỉnh Ðiện Biên gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, bằng sự chủ động của cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên, đến thời điểm này, Ðiện Biên cơ bản đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình mới.

Giờ học môn tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên).
Giờ học môn tiếng Việt của học sinh Trường tiểu học Hà Nội - Ðiện Biên Phủ (TP Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên).

Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Ðiện Biên Nguyễn Văn Kiên cho biết: Toàn tỉnh còn hàng trăm phòng học tạm, phòng học bán kiên cố; nhiều trường thiếu phòng chức năng, phòng công vụ, phòng ở cho học sinh nội trú và các công trình phụ trợ khác. Ðội ngũ giáo viên cũng thiếu trầm trọng (đến cuối học kỳ I năm học 2020 - 2021, riêng bậc tiểu học thiếu 167 giáo viên tiếng Anh, 21 giáo viên Tin học). Một số đơn vị thiếu giáo viên tiểu học: huyện Mường Nhé thiếu 53 giáo viên tiểu học, Tủa Chùa thiếu 41 giáo viên tiểu học…

Toàn huyện Ðiện Biên Ðông có 948 phòng học ở cả ba cấp, trong đó có tới 328 phòng bán kiên cố, 67 phòng học tạm và năm phòng học phải mượn nhà dân và trụ sở UBND xã. Với hai huyện Tủa Chùa và Mường Ảng, vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh, Tin học đang bức thiết hơn. Trưởng phòng GD và ÐT huyện Tủa Chùa Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Tủa Chùa thiếu khoảng 200 giáo viên, trong đó chủ yếu là thiếu giáo viên mầm non, giáo viên Tiếng Anh và Tin học. Thời gian qua Phòng GD và ÐT huyện đã chỉ đạo thực hiện theo phương án giáo viên hai bộ môn này sẽ luân phiên dạy ở các trường, song cũng chỉ là giải pháp tình thế. Với huyện Mường Ảng, hiện nay mới có 13 giáo viên trong khi số trường là 29. Ở một số đơn vị như Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Bản Bua, phòng học môn Tin học chưa có thiết bị; nhiều trường cũng chưa có phòng học môn tiếng Anh…

Năm học qua, Sở GD và ÐT Ðiện Biên đã chỉ đạo rà soát, lập kế hoạch sửa chữa để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Ngành huy động lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị. Tính đến ngày 31-3-2021, ngành đã hoàn thành cải tạo, sửa chữa nâng cấp cho 47 trường học với kinh phí 48,815 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh. Riêng ba tháng đầu năm 2021, ngành giáo dục Ðiện Biên đã huy động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, hiện vật, tài sản, ngày công... với tổng giá trị hơn 23 tỷ đồng xây dựng 40 phòng học, 10 phòng ở nội trú, 12 phòng công vụ, 13 công trình vệ sinh và hơn 4.666 m2 sân bê-tông.

Thực hiện đồng thời các giải pháp, đến nay toàn bộ giáo viên dạy lớp 1 và cán bộ quản lý trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên đã được bồi dưỡng trực tiếp về nội dung, phương pháp giảng dạy sách giáo khoa lớp 1 mới. 100% trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy học, sắp xếp thời khóa biểu đối với các môn học ở lớp 1 và thực hiện chương trình các môn học theo kế hoạch năm học. Một số phòng GD và ÐT như: thành phố Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, Tủa Chùa, Tuần Giáo, Mường Nhé đã tổ chức hội thảo, xây dựng các chuyên đề về dạy tiếng Việt và Toán lớp 1 theo định hướng phát huy phẩm chất năng lực học sinh. Sở GD và ÐT Ðiện Biên hoàn thành việc biên soạn, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương lớp 1; thực hiện in ấn và sử dụng vào giảng dạy trong học kỳ II. Ðội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học dù kiêm dạy nhiều trường song vẫn bảo đảm chất lượng dạy và học.

Tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT mới đối với khối lớp 2 và khối lớp 6 trong năm học tới, bằng kinh nghiệm “vượt khó” trong thời gian qua, Sở GD và ÐT Ðiện Biên đã xây dựng kế hoạch triển khai các đợt tập huấn đại trà giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT về triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới và chương trình sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 bảo đảm kế hoạch; phấn đấu hoàn thành nội dung tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trước khi khai giảng năm học mới.