Những tấm gương nhà giáo mẫu mực

Những tấm gương nhà giáo mẫu mực

Nhà giáo ưu tú Ngô Thị Thu Thuỷ

Ngày 1- 11 vừa qua, cô giáo Thuỷ chính thức nghỉ hưu sau 34 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người và 29 năm công tác tại ngôi trường THCS Ngô Sĩ Liên thân thương. Cả cuộc đời dành hết tâm huyết cho các thế hệ học sinh, cho việc xây dựng và phát triển ngôi trường nhỏ trên phố Hàm Long, những ngày cuối cùng trước khi rời cương vị công tác, những phần thưởng, những danh hiệu cao quý lần lượt đến với cô như một sự thưởng công xứng đáng: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng ba và gần đây nhất là danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phong tặng nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20- 11. Trường Ngô Sĩ Liên cũng vinh hạnh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng ba cuối tháng 10 – 2008.

- Thật ra, tôi chỉ may mắn hơn những người tiền nhiệm và nhiều đồng nghiệp khác thôi! – Cô Thuỷ khiêm tốn nói, nhưng với tất cả những gì cô đã làm được thì những phần thưởng, những danh hiệu mà Chính phủ và Nhà nước trao tặng là hoàn toàn xứng đáng.

Quê ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, cô Thuỷ là hậu duệ đời thứ 18 của chí sĩ Ngô Thì Nhậm. Tự đáy lòng mình, cô luôn luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống của dòng họ, không hổ mặt với tổ tiên. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1974, cô được phân công về công tác tại trường trung học Trung Hoa, ở gần Hồ Tây, chuyên dạy những học sinh người Hoa.

Cuối năm 1979, cô bị bệnh nặng phải phẫu thuật cắt bỏ một quả thận, sức khoẻ giảm sút nghiêm trọng, cấp trên tạo điều kiện cho cô được về dạy tại trường Ngô Sĩ Liên gần nhà để tiện đi lại. Từ đó, cô gắn bó với ngôi trường này, góp phần xây dựng và phát triển cơ sở vật chất, tạo dựng danh tiếng cho nhà trường, truyền đạt kiến thức về văn học, lịch sử, dìu dắt bao thế hệ học sinh tiến lên.

Với cô Thủy, lòng yêu thương kính trọng của học trò là quý nhất.

Suốt 13 năm làm cán bộ quản lý, trong đó có tám năm đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng, cô Thuỷ đã cùng các đồng chí trong ban giám hiệu chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên nhà trường trở thành một tập thể đoàn kết, nhất trí, vững mạnh. Cô thường xuyên động viên và tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên của trường học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực xây dựng nhà trường theo hướng hiện đại. Một điều khiến cô rất hài lòng là đến nay, tất cả giáo viên của trường đều có trình độ đạt chuẩn và vượt chuẩn với hơn 80% có trình độ đại học; 10% giáo viên của trường thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời thẩm định sách giáo khoa và đề kiểm tra học kỳ. Liên tục từ năm học 2002- 2003 đến nay, năm nào trường cũng có giáo viên đoạt giải cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố...

Với một đội ngũ giáo viên đều tay như vậy, không có gì khó hiểu khi trường Ngô Sĩ Liên liên tục có từ 84 đến 87% học sinh tốt nghiệp khá, giỏi – tỷ lệ này thuộc loại cao nhất thành phố. Tính sơ sơ, trong sáu năm qua, trường đã có hơn 200 học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, sáu học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế.

Về cơ sở vật chất, trường luôn là đơn vị đi đầu của thành phố về phổ cập tin học, thư viện đạt loại tiên tiến. Đặc biệt phòng thực hành tiếng với 40 ca-bin của trường đã giúp rất nhiều cho các học sinh có năng khiếu tiếng Anh nâng cao trình độ. Do điều kiện không gian chật hẹp, nhà trường đã có giải pháp sáng tạo trong việc sử dụng phòng giáo dục thể chất đa năng nhằm nâng cao giáo dục toàn diện cho học sinh: buổi trưa là phòng ăn cho học sinh bán trú, buổi chiều là phòng tập thể dục nhịp điệu và tập bóng bàn.

Nhận xét về người đồng nghiệp cũng là người tiền nhiệm của mình, cô Lý Thị Lương, Hiệu trưởng nhà trường nói ngắn gọn: Cô giáo Thuỷ là một người quản lý tốt, biết chia sẻ, quan tâm đến đời sống của giáo viên, công đoàn viên nhà trường. Chị là một tấm gương sáng cho chúng tôi học tập về lòng say mê, sự tận tâm, tận tuỵ với công việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm.

Khi tôi hỏi về những giây phút cảm động nhất trong cuộc đời dạy học của mình, cô giáo Thuỷ cho biết, đó không phải là những lần đứng trên bục nhận các giải thưởng, các danh hiệu cao quý. Đó là khi những học sinh nghèo ở vùng đất bãi phường Chương Dương- những cô bé, cậu bé sáng đi học, chiều phụ giúp gia đình kiếm sống- mang đến biếu cô cả bao tải râu ngô để cô uống “bồi dưỡng sức khoẻ” sau khi phẫu thuật cắt thận năm 1979. Đó là khi học trò mang tặng cô những giá đựng sách bằng gỗ thông thô mộc tự đóng trong thời gian chồng cô còn trong quân ngũ, con cô còn nhỏ, kinh tế khó khăn phải bán sách báo để kiếm thêm thu nhập...

Người dày công “vun trồng” những tài năng tin học

Thầy giáo Đông trong buổi lễ nhận giải thưởng Quả cầu vàng CNTT.

“Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, nhiều doanh nghiệp, đơn vị “mở rộng cửa” đón nhận với mức lương hậu hĩnh, nhưng anh vẫn quyết tâm về công tác tại ngôi trường cũ, sát cánh cùng thầy, cô của mình trên bục giảng, đào tạo những lớp học sinh trở thành người có ích cho xã hội”. Thầy giáo Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) nói về thầy giáo trẻ Đỗ Đức Đông, đảng viên, Bí thư Chi đoàn giáo viên, tổ trưởng tổ tin học của nhà trường.

Đỗ Đức Đông là con trai thứ hai trong một gia đình cả bố và mẹ đều là công nhân ở Hà Đông, hoàn cảnh kinh tế eo hẹp... Thấu hiểu điều này, ngay từ khi còn là học sinh, Đông đã không ngừng rèn luyện, phấn đấu vươn lên giành được nhiều thành tích cao trong học tập. Là thành viên lớp chuyên tin, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Đông đã từng giành nhiều giải thưởng quốc gia và được tuyển thẳng vào Khoa Công nghệ Thông tin (Trường đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Đông đã trở về Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ với vai trò là thầy giáo dạy tin học.

Là người say mê tin học, thầy giáo Đông nhận ra rằng, tin học là chìa khóa giúp học sinh hội nhập nhanh với kiến thức thế giới. Bởi vậy, với sự nhiệt huyết của mình, anh vừa hướng dẫn, vừa gợi mở cho học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá, qua đó luôn cảm thấy hứng thú khi học tập bộ môn tin học. Bằng việc trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa thầy và trò, những kiến thức phức tạp, rối rắm đã trở nên đơn giản, dễ hiểu khiến các em càng say mê học tập, càng hăng hái thi đua giành những thành tích mới. Mỗi cái tên học trò thành công trong học tập từ Phạm Quốc Cường, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Đắc Minh, Hoàng Đức Toàn, đến Đặng Thanh Tùng, Phạm Thành Đạt... là những dấu mốc khẳng định những nỗ lực của Đông trong công việc giảng dạy.

Hơn 5 năm qua, dưới sự dìu dắt tận tâm, tận lực của thầy giáo Đỗ Đức Đông, hàng mấy chục học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đã giành được nhiều thành tích cao trong học tập, không chỉ ở cấp tỉnh, mà còn đoạt nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic tin học quốc tế...

Khiêm tốn, không kể nhiều về thành tích của mình, nhưng ở trường các lớp học trò của thầy Đông vẫn tự hào khoe với nhau thầy của mình là “cây tin học”.

Thời còn học trung học, Đỗ Đức Đông đã từng đã từng đoạt giải khuyến khích tin học toàn quốc lớp 11, giải tin học toàn quốc lớp 12; từng tham dự kỳ thi học sinh giỏi tin học quốc tế. Anh cũng là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2003-2004. Thật vinh dự, năm 2007, anh được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Công nghệ thông tin thanh niên “Quả cầu vàng”. Niềm vui của anh được nhân lên gấp bội, khi đứng trên bục nhận giải thưởng năm đó còn có học trò của anh là Đặng Thanh Tùng. Năm học 2007-2008, dưới sự dìu dắt của thầy Đông lại có thêm 2 học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ giành được HCĐ Olympic tin học quốc tế.

Với những thành tích đó, năm 2008, anh được công nhận là “Người tốt, việc tốt” của thành phố Hà Nội; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Hiện nay, anh đã học xong chương trình cao học về tin học.

Mới 27 tuổi đời, con đường tương lai của thầy giáo Đỗ Đức Đông thật rộng mở, nhưng ước muốn của anh thật giản dị, là cùng với vợ của mình- cô giáo Vũ Thị Phương Quế chung tay xây dựng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ trở thành “cái nôi” ươm thật nhiều nhân tài để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.