Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại

Đề án hơn chín nghìn tỷ đồng với môn Ngoại ngữ “đội sổ” -

Trước nhu cầu dạy học ngoại ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế, năm 2008, xét đề nghị của Bộ trưởng GD và ĐT, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Đề án có tổng kinh phí là 9.378 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ GD và ĐT là cơ quan chủ trì. Đến nay, đề án đã qua hai giai đoạn, chi phí hàng nghìn tỷ đồng nhưng kết quả vẫn còn quá xa so với kỳ vọng.

Học sinh Trường THCS Hợp Nhất, huyện Ba Vì (Hà Nội) trong giờ học tiếng Anh.
Học sinh Trường THCS Hợp Nhất, huyện Ba Vì (Hà Nội) trong giờ học tiếng Anh.


Trái ngược mục tiêu và kết quả

Đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) đưa ra một số mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2015 và giai đoạn đến năm 2020. Trong đó, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được một bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực; đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) có năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, tự tin; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Việt Nam... Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể gồm: Triển khai giáo dục 10 năm (bắt đầu từ lớp 3) môn Ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông; phấn đấu đến năm 2015 tổ chức cho 100% số giáo viên ngoại ngữ các trường ĐH, CĐ và một bộ phận giáo viên ngoại ngữ các trường phổ thông… đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài; xây dựng triển khai chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho môn Toán và một số môn phù hợp ở các trường THPT. Khung trình độ năng lực ngoại ngữ tương thích với các tiêu chí sáu bậc do Hiệp hội các tổ chức khảo thí châu Âu đã ban hành. Trong đó, học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt trình độ bậc một, THCS đạt trình độ bậc hai và THPT đạt bậc ba theo khung năng lực ngoại ngữ; tốt nghiệp ĐH không chuyên ngữ đạt bậc ba...

Theo báo cáo của Ban quản lý đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, tổng số kinh phí đã chi từ năm 2011 đến 2015 là hơn 3.829 tỷ đồng, gồm 2.198 tỷ đồng được cấp từ ngân sách trung ương và 1.631 tỷ đồng từ nguồn đối ứng của địa phương. Tuy nhiên, kết quả của đề án vẫn còn khá xa mục tiêu. Đến năm 2015, tỷ lệ học sinh phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 23,6% (tiểu học đạt 53,3%, THCS đạt 10,2% và THPT chỉ đạt 1,3%). Đáng chú ý, đội ngũ giáo viên được coi là yếu tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ thì sau nhiều năm đào tạo, bồi dưỡng, đến năm 2015, một số địa phương có tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp như: Tuyên Quang 11%, Hà Giang 15%, Ninh Thuận 11%, Quảng Nam 12%; Bà Rịa - Vũng Tàu 7%, Bạc Liêu 12%... Tại một số thành phố lớn, có điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao trình độ ngoại ngữ giáo viên như TP Hồ Chí Minh cũng chỉ có 45% số giáo viên phổ thông nói chung đạt chuẩn, trong đó giáo viên THPT chỉ có 19% đạt chuẩn... Kết thúc năm học 2015-2016, cả nước mới có 7.964 trong số 21.412 giáo viên tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn năng lực ngôn ngữ (chiếm 37,19%); 12.388 trong số 33.741 giáo viên tiếng Anh THCS đạt chuẩn (chiếm 36,71%); 4.447 trong số 17.028 giáo viên tiếng Anh THPT đạt chuẩn (chiếm 26,12%). Giáo viên tiếng Anh TCCN mới có 10% đạt chuẩn 5/6 bậc.

Dư luận xã hội bức xúc còn bởi hiện trạng: Sau khi tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm, chất lượng dạy học môn Ngoại ngữ trong nhà trường vẫn cho kết quả “đội sổ” so với các môn trong kỳ thi THPT quốc gia. Năm 2015, kết quả thi THPT quốc gia môn Ngoại ngữ dùng cho xét tuyển ĐH, CĐ có tới 306.298 thí sinh đạt dưới 5 điểm (chiếm 81,2%); chỉ có 70.533 thí sinh đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm 18,8%). Kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 mới đây, môn Ngoại ngữ tiếp tục “đội sổ” khi trung bình điểm thi của thí sinh trên cả nước chỉ đạt 3,43 điểm; trong đó, có 399.429 thí sinh có bài thi đạt dưới 5 điểm (chiếm 84%) và chỉ có 74.566 thí sinh có bài thi đạt từ 5 điểm trở lên (chiếm 16%). Trong khi đó, giáo dục ĐH năm 2015, có 25% số trường được kiểm tra chưa xác định chuẩn đầu ra ngoại ngữ phù hợp với mục tiêu Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Cần xem xét lại Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020

Một giáo viên dạy ngoại ngữ trường THCS ở Hà Nội chia sẻ: Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 yêu cầu giáo viên THCS phải có chứng chỉ B2 theo khung năng lực ngoại ngữ. Phần lớn các giáo viên dạy ngoại ngữ đều phải đi học bồi dưỡng để thi cho đạt chứng chỉ B2 theo yêu cầu của cơ quan quản lý giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình bồi dưỡng, người dạy chủ yếu dạy cho xong theo kiểu “đếm giờ lên lớp để lĩnh tiền”. Các giáo viên đi học bồi dưỡng thi trượt trình độ năng lực B2 khá nhiều. Trong khi đó, một cán bộ từng công tác tại Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD và ĐT) cho biết: Chi phí của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 chuyển cho địa phương đứng ra tổ chức bồi dưỡng năng lực là 10 triệu đồng/giáo viên. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là những đơn vị đủ điều kiện dạy bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên phổ thông (chủ yếu là các trường ĐH) làm qua quýt thì được địa phương thường xuyên mời về dạy, đơn vị nào làm nghiêm túc thì ít được mời.

Sau nhiều năm được đầu tư, bồi dưỡng, phần lớn giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn. Theo TS Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), việc chuẩn hóa giáo viên là cần thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng chuẩn cần một lộ trình phù hợp dựa trên việc xem xét những năng lực thiết yếu cho hoạt động giảng dạy, tránh tạo ra sức ép quá lớn lên người dạy, từ đó có tâm lý chán nản, buông xuôi. Giáo sư, Viện sĩ Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đến nay cho kết quả khá bi quan, chưa mang lại biến chuyển rõ rệt về chất lượng dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông. Một trong những nguyên nhân là do đề án đặt ra các mục tiêu quá cao, không phù hợp thực tế. “Một đề án muốn hiệu quả thì người thực hiện phải đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đội ngũ giáo viên - người thực hiện, lại không đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ đạt chuẩn quá thấp. Thế thì làm sao đòi hỏi học sinh phải đạt trình độ theo khung năng lực được?” - GS Đào Trọng Thi đặt vấn đề. Mặt khác, đề án cũng quá thiên về chuẩn bị giáo trình, chương trình, sách giáo khoa, nặng về mô phỏng theo nước ngoài, không phù hợp trình độ thực tế học sinh của Việt Nam và xác định mục tiêu lạc hướng. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra mục tiêu chung cho học sinh cả nước cùng một yêu cầu năng lực ngoại ngữ như nhau mà không phân tích, phân loại được nhu cầu, vùng miền là không hợp lý, quá thô sơ.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc đánh giá môn Ngoại ngữ không nằm trong hệ thống đánh giá chung khiến cho học sinh có đạt trình độ, năng lực hay không cũng không được quan tâm. Thí dụ, mục tiêu đề án là học sinh hết tiểu học phải đạt chứng chỉ A1, hết THCS đạt A2 nhưng nếu học sinh không đạt được chứng chỉ trình độ như trên thì vẫn lên lớp, chuyển cấp bình thường, do đó đã không tạo được động lực học tập cho các em. Điều không hợp lý của đề án còn được thể hiện ở chỗ học sinh tốt nghiệp THPT phải đạt trình độ bậc ba; trong khi đó, sinh viên ĐH tốt nghiệp cũng chỉ đòi hỏi đạt trình độ bậc ba như THPT.

Mặc dù có hàng loạt yếu kém và bất cập trong quá trình triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nhưng trong phương hướng, nhiệm vụ năm học 2016-2017, Bộ GD và ĐT vẫn xác định nhiệm vụ: “Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam” khiến nhiều người giật mình. Bởi với thực tế hiện nay, điều đó liệu có quá viển vông? Vấn đề quan trọng hiện nay là cần xem xét lại Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 để điều chỉnh, có bước đi phù hợp thực tiễn và mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Cần những cú huých bằng chính sách, tạo động lực cho người học thấy được học ngoại ngữ để làm gì và có tác dụng gì; học ngoại ngữ là cả một quá trình chứ không phải chỉ để phục vụ thi cử.

Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT trong xu thế hội nhập được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm. Quá trình triển khai đổi mới đòi hỏi ngành GD và ĐT có những giải pháp triển khai phù hợp, tạo đột phá và hiệu quả cao, không thể chạy theo thành tích rồi đưa ra những cách làm vội vàng cùng những mục tiêu xa rời thực tiễn, chi tiêu hàng nghìn tỷ đồng mà không hiệu quả, tạo nên nguy cơ thất bại trong đổi mới GD và ĐT nước ta.

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 17-8-2016.