Nguyễn Thúc Hào - GS Toán học đầu tiên của Việt Nam

Nguyễn Thúc Hào - GS Toán học đầu tiên của Việt Nam

Giáo sư Nguyễn Thúc Hào đã từng giữ chức tổng thư ký kiêm quyền giám đốc Trường đại học Khoa học Hà Nội, ngay từ những ngày đầu mở nước dân chủ cộng hòa. Về sau, ông được bầu làm phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam (chủ tịch là giáo sư Lê Văn Thiêm). Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên được Nhà nước ta công nhận chức danh giáo sư đại học.

Nhiều học trò của thầy Hào thời chống Pháp, về sau, đã trở thành những gương mặt khoa học quen thuộc, như: Hoàng Tụy, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Đình Tứ, Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Hà Văn Mạo, Văn Như Cương, v.v. Cũng có vài người trở thành nhà báo có tiếng như Nguyễn Hữu Chỉnh...

Đó là chưa kể các lớp học trò của thầy Hào trong 10 năm thầy dạy tại Trường Quốc học Huế (1935-1945), về sau, nhiều người đã trở thành những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi đi vào sử sách.

Nhưng có lẽ thầy Hào chưa được công chúng rộng rãi biết tiếng, do thầy “ở ẩn” tới 15 năm, khi tình nguyện trở về quê hương, đảm đương trọng trách hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Vinh.

Một tấm gương trong giữ vẹn tròn

Nguyễn Thúc Hào sinh ngày 6-8-1912 tại Nam Đàn, Nghệ An, trong một dòng họ nhà nho nổi tiếng. Ông nội là cụ Nguyễn Thúc Kiều, cử nhân nho học, thầy dạy của nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Cha là cụ Nguyễn Thúc Dinh đỗ phó bảng.

Năm 1924, mới 12 tuổi, chàng thiếu niên Nguyễn Thúc Hào thi đỗ thủ khoa vào Trường Quốc học Huế. Năm sau, anh chuyển ra Hà Nội, vào học Trường Albert Sarraut cho đến năm 1929, thì sang Pháp, thi đỗ tú tài toán tại AixenProvence. Theo học dự bị đại học tại Trường Saint Louis nổi tiếng ở Paris, anh chuẩn bị thi vào các “trường lớn” của nước Pháp. Nhưng rồi, chứng yếu phổi khiến anh phải giã từ Paris băng giá, xuống miền nam, theo học Trường đại học Khoa học Marseille, bên bờ Địa Trung Hải chói chang ánh nắng mặt trời.

Sau 4 năm chăm chỉ học tập, anh thi lấy 6 chứng chỉ: toán học đại cương, giải tích toán học, vật lý đại cương, cơ học lý thuyết, cơ học chất lỏng, và thiên văn học. Ngoài ra, anh còn viết xong luận văn cao học  nay gọi là thạc sĩ  về một đề tài liên quan đến hình học và cơ học.

23 tuổi, trở về cố đô, anh trở thành một thầy giáo dạy toán trẻ măng tại Trường Quốc học Huế. Thời ấy, trong toàn cõi Đông Dương, chỉ vẻn vẹn có 6 trường trung học chuyên khoa (như trung học phổ thông hiện nay).

Sau Cách mạng Tháng Tám, giáo sư Nguyễn Thúc Hào được cử làm giám đốc Vụ Trung học Trung Bộ. Một lần ra Hà Nội họp Hội đồng Cố vấn học chính, ông được một người bạn cũ  lúc bấy giờ cũng là thành viên Hội đồng  mời về nhà chơi. Trong bữa cơm tối, hai người ôn lại những kỷ niệm xưa bên núi Ngự, sông Hương, khi cả hai còn học Trường Quốc học Huế. Anh bạn kể về những năm dạy ở Trường Thăng Long (Hà Nội), rồi bí mật vượt biên giới sang gặp Nguyễn Ái Quốc bên bờ Thúy Hồ, Côn Minh, rồi lại theo Cụ trở về hang Pác Bó, Cao Bằng, nhen nhóm lên ngọn lửa đấu tranh vũ trang từ cây đa Tân Trào, Tuyên Quang. Anh bạn năm nào học cùng lớp ấy, nay là giáo sư sử học Võ Nguyên Giáp...

Chẳng bao lâu sau, giáo sư Hào chuyển hẳn ra thủ đô, nhận chức tổng thư ký kiêm giám đốc Trường đại học Khoa học Hà Nội. Ông phải lo toan bao việc, trước hết là tìm mời một số nhà khoa học nổi tiếng đến dạy ở trường: Tạ Quang Bửu, Ngụy Như Kon Tum dạy vật lý, Hoàng Xuân Hãn dạy toán... Bác sĩ Trần Duy Hưng, chủ tịch Hà Nội, hỏi thuê cho giáo sư Hào một căn gác ở phố Đoàn Trần Nghiệp.

Đêm 19-12-1946, đèn thành phố vụt tắt. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo chỉ thị của Bộ Quốc gia giáo dục, giáo sư Hào cùng vợ bế bồng gồng gánh các con nhỏ đi bộ về phía Thường Tín, rồi vào tận Nam Định, chen lấn xô đẩy lên tàu hỏa, tản cư về Nghệ An. Gần Tết, mới về tới quê nhà. Ra giêng, đã nhận được công văn của Bộ: Cần mở ngay Lớp Toán học đại cương! Thế là, chỉ vài tháng sau khi cả nước đứng lên nổ súng đánh trả bọn xâm lược, trong một nhà thờ họ ở làng quê Nam Đàn, Lớp Toán học đại cương khóa I đã khai giảng. Lớp được duy trì được bốn khóa, cho đến năm 1951, khi giáo sư Hào được điều ra Thanh Hóa, tham gia ban giám đốc Trường Dự bị đại học và Trường Sư phạm cao cấp, cùng các giáo sư Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường.

Thủ đô giải phóng. Thầy Hào ra bắc, giữ chức phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, bên cạnh giáo sư hiệu trưởng Phạm Huy Thông.

Tiếp đó là 15 năm liền, 1959-1974, giáo sư trở về quê hương, làm hiệu trường Trường đại học Sư phạm Vinh. Năm năm đầu, vất vả vì phải xây dựng cơ ngơi, nền nếp. Bảy năm tiếp theo, vất vả vì phải chuyển trường đi sơ tán hết nơi này sang nơi khác. Ba năm cuối cùng, vất vả vì phải xây dựng lại trường từ đống đổ nát hoang tàn... Biết bao công việc thầm lặng ở tỉnh lẻ, chẳng được báo, đài trung ương “ngó ngàng” tới, để mà phản ánh, biểu dương...

Về hưu, thầy Hào mới trở ra Hà Nội, lặng lẽ sống trong mấy gian nhà trệt lợp mái tôn ở phường Kim Liên. Nhiều năm sau, các con thầy mới gom đủ tiền “nâng cấp” thành một ngôi nhà hai tầng tàm tạm ổn. Trong nhà thầy, hầu như chẳng có một tiện nghi gì đắt tiền, hiện đại.  

Nhà thầy Hào cách nhà thầy Nguyễn Lân chỉ vài ba trăm mét. Cả hai thầy đều đã từng cùng dạy tại Trường Quốc học Huế trước cách mạng, rồi cùng rời “Hà Nội vàng son”, đi tham gia kháng chiến. Cả hai thầy đều sống thanh bạch, khiêm tốn. Có lẽ cái phúc lớn của hai thầy là có được những ng­ời con ưu tú. Các con thầy Lân thì nhiều người đã biết. Còn các con thầy Hào,  ít người biết hơn. Đó là anh Nguyễn Thúc Hoàng được bầu làm phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhiều khóa. Rồi anh Nguyễn Thúc Hải là giáo sư, tiến sĩ khoa học, chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin Trường đại học Bách khoa Hà Nội...

Mới đây, ngày 6-8-2006, gia đình, bạn hữu, học trò tề tựu tại ngôi nhà đơn sơ ở phường Kim Liên, mừng thầy Hào thọ 95 tuổi.

Nhà toán học Phan Đình Diệu sáng tác một bài thơ Đường luật nhan đề Mừng Thầy để kính tặng thầy Hào:

         Một tấm gương trong giữ vẹn tròn
         Sá bao công lội suối trèo non
         Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng
         Lòng vẫn son, bền chí sắt son
         Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn
         Giờ vui mây nước, mảnh tình con
         Đời còn sương bụi bao mờ tỏ
         Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.