Nghệ An chú trọng đầu tư các trường trọng điểm

Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của học sinh, tỉnh Nghệ An chủ trương xây dựng các trường trọng điểm, trường chất lượng cao, đổi mới về giáo dục. Đến nay, đã xây dựng các tiêu chí về trường trọng điểm, chất lượng cao và thực hiện thí điểm tại chín trường ở cấp THCS và năm trường ở cấp THPT.

Một lớp học của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Một lớp học của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Hiện nay, ở một số huyện của tỉnh Nghệ An đã có các trường được chọn để xây dựng thành trường trọng điểm. Đây là nơi để các huyện tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển học sinh giỏi, xây dựng giáo dục mũi nhọn.

Tại huyện Đô Lương, UBND huyện đã ban hành các đề án, kế hoạch để xây dựng Trường THCS Lý Nhật Quang trở thành cơ sở phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu trên địa bàn huyện. Đến nay, Trường THCS Lý Nhật Quang là một trong những trường có chất lượng giáo dục tốt của tỉnh. Trung bình mỗi năm, có gần 45% số học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, từ 15 đến 20% học sinh trúng tuyển vào các trường chuyên của tỉnh. Toàn huyện Đô Lương có sáu học sinh đoạt huy chương ở các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế thì tất cả là học sinh cũ của Trường THCS Lý Nhật Quang. Tương tự, tại huyện Anh Sơn, Trường THCS Anh Sơn cũng đã được huyện chọn để xây dựng thành trường trọng điểm. Cô giáo Trần Thị Châu, hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường thuộc huyện nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai đề án xây dựng trường trọng điểm (2014 - 2018), trường đã được đầu tư cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Nhà giáo dục thể chất đa năng được bảo đảm cho từ 500 đến 600 học sinh học tập; hệ thống sân chơi, bãi tập, đường chạy đáp ứng yêu cầu của các môn học ngoài trời; phòng học ngoại ngữ, tin học trang bị đủ máy móc, thiết bị cho học sinh thực hành. Bên cạnh đó, giáo viên chú trọng sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, góp phần tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập theo năng lực. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động sáng tạo, trải nghiệm theo nội dung của chương trình giáo dục nhà trường đề ra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, chú trọng giáo dục đại trà gắn với giáo dục mũi nhọn. Mỗi năm, có hơn 95% số học sinh nhà trường đạt học lực khá, giỏi.

Sau bốn năm thực hiện đề án xây dựng trường trọng điểm, chất lượng học sinh giỏi từ vị trí thứ tám lên tốp đầu toàn tỉnh. Riêng cấp THPT, nhiều năm nay, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu là cái nôi bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tỉnh có chính sách đãi ngộ giáo viên, đào tạo, bồi dưỡng học sinh, như: bổ sung 20% số giáo viên theo quy định để giáo viên được luân phiên học tập nâng cao trình độ, chi trả lương cho cán bộ, giáo viên cao hơn so với mức lương cơ sở, cấp học bổng cho 70% số học sinh của trường.

Từ hiệu quả ở các trường nêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nghệ An đã triển khai lựa chọn thêm các trường để thực hiện thí điểm. Đến nay, có chín trường ở cấp THCS và năm trường ở cấp THPT. Các trường được chọn phân bổ theo từng vùng, từng khu vực. Thực tế, ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, mô hình này thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Tại Nghệ An, bước đầu thí điểm do tỉnh và các địa phương cùng đầu tư với tổng kinh phí dự kiến từ nay đến năm 2025 là hơn 85 tỷ đồng. Sau nhiều năm chuẩn bị và xin ý kiến các ban, ngành ở địa phương, Sở GD và ĐT Nghệ An đã hoàn thiện khá đầy đủ mục tiêu, kế hoạch triển khai cũng như các tiêu chí về trường trọng điểm, chất lượng cao theo mô hình trường học tiên tiến. Trong đó, chú trọng việc giáo dục tăng cường phát triển phẩm chất, năng lực học sinh thông qua việc tăng cường học Ngoại ngữ, Tin học đối với tất cả các đối tượng học sinh. Học sinh được học các chuyên đề Tin học định hướng nghề nghiệp; học các môn Toán, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh; tham gia giao lưu với học sinh các nước trong khu vực và trên thế giới... Trường THPT chuyên sẽ có một số nội dung giáo dục được tham khảo từ chương trình giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới để học sinh có thể tham gia thi A-level, SAT, Cambridge, thi chứng chỉ MOS. Đây cũng sẽ là những ngôi trường tiên phong trong việc đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; thực hiện giáo dục STEM; sử dụng các phương pháp dạy học mở để học sinh có khả năng trải nghiệm, khám phá và làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, sẽ tăng cường đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và hỗ trợ chuyên môn các nội dung về chương trình phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; có các nghệ nhân, người lao động tiêu biểu ở địa phương hỗ trợ tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dạy học gắn với sản xuất, kinh doanh; có giáo viên dạy được song ngữ một số môn Khoa học tự nhiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Thái Văn Thành chia sẻ: Hiện nay, việc đầu tư cho các trường trọng điểm, chất lượng cao, trường tiên tiến là cần thiết để theo kịp với xu thế phát triển và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học, góp phần thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI). Đây cũng là điều kiện để Nghệ An xây dựng một số cơ sở giáo dục trở thành nhân tố tiên phong, nòng cốt, đi đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tạo sức lan tỏa đến các trường trung học trên địa bàn, góp phần quan trọng thực hiện thành công các mục tiêu giáo dục.